(Xây dựng) - Hơn nửa thế kỷ đi qua, Việt Nam đã và đang trở thành một quốc gia năng động với những TP phát triển sầm uất. Hình ảnh những đô thị mới hồi sinh và mở rộng ngày càng trở lên “lấp lánh” hơn.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Hiện nay, mạng lưới đô thị cả nước được hình thành và phát triển trên cơ sở các đô thị trung tâm, gồm TP trung tâm cấp quốc gia, khu vực và quốc tế như: Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Huế; TP trung tâm cấp vùng như: Hạ Long, Việt Trì, Thái Nguyên, Hòa Bình, Nam Định, Vinh, Nha Trang, Quy Nhơn, Buôn Ma Thuột, Biên Hòa, Vũng Tàu và Cần Thơ; các TP, thị xã trung tâm cấp tỉnh…
Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa diễn ra không đồng đều, chủ yếu ở 3 vùng trọng điểm phát triển kinh tế - xã hội, ở vùng duyên hải, và một số đảo lớn như Phú Quốc, Côn Đảo, Vân Đồn, Cát Bà...
Hệ thống đô thị nước ta đang phát triển nhanh về số lượng nhưng chất lượng đô thị còn thấp; trình độ và năng lực quản lý và phát triển đô thị còn thấp so với yêu cầu. Kết cấu hạ tầng đô thị yếu kém, quá tải không những không tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế - xã hội đô thị, mà còn làm nảy sinh nhiều áp lực đối với môi trường. Để phát triển đô thị hóa bền vững, chúng ta cần tiến hành xây dựng các hệ thống hạ tầng đô thị, đặc biệt là hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường phải đi trước một bước.
Đến thời điểm này, chuyển đổi sử dụng đất, và nguy cơ dân số tăng nhanh tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng và Cần Thơ đến mức “không chịu nổi” là khá hiển nhiên, trừ phi có một lưu tâm nghiêm túc cho sự phát triển phân tán tới các trung tâm đô thị khác. Chẳng hạn, với Hà Nội và Hải Phòng, dù đóng vai trò chủ chốt tại khu vực Đồng bằng sông Hồng, nhưng cần trải xuống tới các TP hành lang như Hải Dương, Vĩnh Yên và Bắc Ninh mới có hiệu quả cao. Đối với khu vực duyên hải miền Trung, các động lực trọng yếu trải dọc theo chiều dài với TP Đà Nẵng ở vị trí trung tâm, 2 TP Thanh Hóa và Vinh ở Bắc Trung bộ, 2 đô thị là TP Quy Nhơn và Nha Trang ở Nam Trung bộ…
Xu hướng “Đô thị xanh” đang được quan tâm và dần trở thành hướng đi chủ đạo trong các công trình xây dựng hiện đại. Tuy nhiên, số lượng Cty đầu tư xây dựng công trình xanh còn rất ít.
Các viễn cảnh đô thị hóa trong tương lai của Việt Nam đã đặt ra trước vấn đề chuẩn bị các quy hoạch phát triển vùng, tỉnh và chiến lược phát triển cho các đô thị có vai trò nổi bật. Mong muốn của các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý là hướng tới xây dựng những đô thị bền vững. Nhưng để đạt được mong ước này, chắc còn cần nhiều thời gian, công sức và cả tâm sức. Bởi lẽ, trong một đô thị được coi là phát triển bền vững thì mọi người phải được bình đẳng trong khi tiếp cận các cơ hội như giáo dục, chăm sóc sức khỏe, tìm kiếm việc làm, cải thiện đời sống, cư trú. Những người thuộc nhóm yếu thế hay "dễ tổn thương" như người già cô đơn, trẻ em mồ côi, phụ nữ đơn thân, đông con, người tật nguyền… cần phải được quan tâm đúng mức.
LHQ đã đưa ra Quy ước về đô thị phát triển bền vững với các quy định trong sử dụng năng lượng, chất thải, giao thông, cung cấp nước sạch, thoát nước, thiết kế đô thị... Nếu căn cứ theo những tiêu chí trong quy ước này thì chúng ta còn lâu mới tiến kịp, nhất là trong vấn đề xử lý giao thông, xử lý chất thải và thoát nước.
Như thế, các thách thức của tương lai còn phức tạp hơn trong quá khứ. Các chiến lược và chính sách quy hoạch cần giải quyết được cuộc đấu tranh nội bộ trong cả hệ thống nhằm xóa bỏ đói nghèo và cải thiện điều kiện sống và môi trường Việt Nam.
Phát triển bền vững là một nhu cầu cấp thiết và đòi hỏi không tránh được của Việt Nam. Vì thế, các hợp tác liên tỉnh, phối hợp và cộng tác liên đô thị có thể mang lại sức mạnh vượt qua các khó khăn nguồn lực và tài chính. Nguồn lực còn hạn chế như về đất, nước, có thể được giải quyết qua các mối quan hệ liên ngành trong Chính phủ, từ đó giảm thiểu chi phí và tối ưu hóa các lợi ích phát triển.
Vượt qua những thách thức đó, viễn cảnh sáng với công cuộc đô thị hóa ở Việt Nam tất thành hiện thực.
Ngọc Lý
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét