Tọa đàm chuyên môn: “Không gian kiến trúc cao tầng ven biển: Tầm nhìn và giải pháp”

Kính thưa các quý khách và quý đồng nghiệp trong và ngoài nước,

Xin được bắt đầu bằng tầm nhìn: “Thành phố Đà Nẵng sẽ trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo và là Thành phố biển đáng sống đẳng cấp khu vực châu Á” mà Nghị quyết số 43-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định mới đây, ngày 24/1/2019.

Tầm nhìn đó đã đặt ra cho các chuyên gia, trong đó có các KTS chúng ta rất nhiều việc phải làm.

Hôm nay trên tinh thần ấy, chúng ta có mặt tại Đà Nẵng, thành phố trẻ năng động, bên bờ biển Đông để cùng nhau trao đổi chuyên môn về “Không gian kiến trúc cao tầng ven biển” –  một vấn đề nhỏ nhưng tác động có thể lớn đến sự phát triển hợp lý, bền vững và có bản sắc của các đô thị ven biển ở nước ta, mà Đà Nẵng là trường hợp đại diện tiêu biểu.

Riêng đối với Đà Nẵng, sau gần 20 năm phát triển với nhiều thành công nổi bật, đang đi tiên phong  trong việc xây dựng thương hiệu một thành phố đáng sống. Tuy nhiên, để thực sự trở thành một thành phố biển đáng sống, nhất là có đẳng cấp của khu vực, Đà Nẵng, về đô thị, chắc chắn phải lựa chọn mô hình cấu trúc không gian đô thị mới, vừa cho phép khắc phục được những hạn chế của quá trình phát triển đã qua vừa đảm bảo sự phát triển không gian đô thị có chất lượng bền vững và có bản sắc trong tương lai, trong đó không gian đô thị ven sông, biển với kiến trúc cao tầng là một trong những nội dung có tầm quan trọng nhất định đối với chất lượng môi trường sống và hình ảnh đô thị của Đà nẵng.

Tại Tọa đàm này, bên cạnh những kinh nghiệm trong nước và quốc tế về phát triển không gian kiến trúc đô thị ven sông, biển được đề cập, thì những định hướng giải pháp phù hợp với Đà Nẵng sẽ được trao đổi. Và đây là trọng tâm của Tọa đàm.

Vì thế, những vấn đề chính mong được các chuyên gia và KTS trao đổi tại Tọa đàm là:

  1. Phát triển kiến trúc cao tầng, ngay cả đối với đô thị biển là xu hướng tất yếu trên thế giới. Điều đó có phù hợp với các đô thị ven biển ở nước ta không?
  2. Bên cạnh nhu cầu tất yếu là tiếp cận biển của cộng đồng dân cư thông qua các không gian công cộng, thì tính chất sống động của một đô thị (cuộc sống đô thị) thông qua sự đa dạng và hỗn hợp chức năng của các tổ hợp công trình, trong đó có các kiến trúc cao tầng, ngay cả đối với đô thị du lịch nghỉ dưỡng, liệu  có cần không? Tính nhân văn và tỷ lệ người của các không gian đô thị đó?
  3. Đối với trường hợp Đà Nẵng, nhất là khu vực bãi biển phía Đông thành phố, thì:

– Mô hình đô thị nào là phù hợp, cho phép phát triển kiến trúc cao tầng mà vẫn tạo được cuộc sống đô thị và đồng thời đảm bảo cân bằng lợi ích của các bên: Chủ đầu tư, Chính quyền và Cộng đồng dân cư đô thị. Có phải là mô hình TOD?

– Khai thác những giá trị cảnh quan tự nhiên nào ngoài biển (Sông và Đầm phá) để tạo nên bản sắc của không gian kiến trúc đô thị Đà Nẵng?

– Và Đà nẵng có đủ điều kiện trở thành thành phố xanh (sinh thái)?

Tọa đàm là sáng kiến của Hội KTS Đà Nẵng được thực hiện với sự phối hợp của Tạp chí Kiến trúc. Có thể nói, đây là hoạt động chuyên môn đầu tiên tại địa phương theo chủ trương của Hội KTS Việt Nam là nhằm hướng tới Đại hội Hội KTS toàn quốc lần thứ X vào tháng 4 năm 2020.

Hy vọng Tọa đàm hôm nay tại Đà Nẵng thành công, mở đầu cho các hoạt động chuyên môn tương tự ở các địa phương khác trên cả nước.

Trân trọng cảm ơn!

GS.TS.KTS Nguyễn Quốc Thông

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét