Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được xây dựng theo 4 phương châm: Dân tộc, hiện đại, trang nghiêm, giản dị. Vật liệu xây dựng được mang về từ nhiều địa phương khắp cả nước.
Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, ngày 29/11/1969, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết về việc xây dựng Lăng Bác và những yêu cầu cơ bản đối với công tác thiết kế và xây dựng công trình này.
Đầu năm 1970, Bộ Kiến trúc (nay là Bộ Xây dựng) cùng với Đoàn Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức nhóm thiết kế phác thảo Lăng Bác trên cơ sở nhiệm vụ thiết kế đã được phê duyệt. Chỉ trong thời gian ngắn, đã có 77 phương án của các cá nhân và tập thể đề xuất. Trong số này, 5 phương án có thể hiện mô hình được chọn để báo cáo Bộ Chính trị. Sau đó, một phương án được chọn để làm việc với phía Liên Xô, nhờ giúp đỡ trong quá trình thiết kế và xây dựng Lăng.
Theo dự kiến ban đầu, giai đoạn lập bản vẽ thi công và thiết kế tổ chức thi công dự định kéo dài 12 tháng và sẽ khởi công xây dựng Lăng vào mùa khô năm 1972-1973. Tuy nhiên, năm 1972, đế quốc Mỹ ném bom miền Bắc nên việc xây dựng bị hoãn lại. Đến ngày 2/9/1973, công trình mới chính thức được khởi công đào móng.
Vật liệu xây dựng được mang về từ nhiều địa phương, vùng miền trên cả nước. Nhân dân dọc dãy Trường Sơn còn gửi ra 16 loại gỗ quý. Các loài cây từ khắp các miền được mang về đây như chò nâu ở Đền Hùng, hoa ban ở Điện Biên - Lai Châu, tre từ Cao Bằng...
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được xây dựng theo 4 phương châm: Dân tộc, hiện đại, trang nghiêm, giản dị. Cấu trúc Lăng được chia làm 3 phần: Phần nền xây kiểu bệ tam cấp theo phong cách cổ truyền của kiến trúc Việt Nam; phần thân Lăng cả 4 mặt đều có cột để tạo ra các khoảng trống tựa như các gian của những ngôi nhà 5 gian ở các miền quê Việt Nam; phần mái Lăng hình vát giật tam giác gợi lên nét kiến trúc cổ kính đình chùa. Trong ảnh: Đoàn đại biểu anh hùng, dũng sĩ quân giải phóng miền Nam tham gia xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Lăng có hình vuông, mỗi cạnh 30 m, cửa quay sang phía đông, hai phía nam và bắc có hai lễ đài dài 65 m dành cho khách trong những dịp lễ lớn. Trước Lăng là Quảng trường Ba Đình với một đường dành cho lễ diễu binh, duyệt binh và một thảm cỏ dài 380 m chia thành 240 ô vuông cỏ.
Lăng được xây dựng trên nền cũ của tòa lễ đài giữa Quảng trường Ba Đình, nơi Bác Hồ từng chủ trì các cuộc mít tinh lớn và đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Cùng với việc xây dựng Lăng, khu vực quảng trường cũng được thiết kế, cải tạo và xây dựng lại với tổng diện tích 14 ha. Trong ảnh: Công nhân đội thi công cơ giới Bộ Giao thông Vận tải san lấp mặt bằng xây dựng quảng trường trước Lăng.
Lăng được thiết kế để có độ bền vững cao, chống được bom đạn và động đất cường độ 7 Richter. Ngoài ra, khi xây dựng Lăng thì vẫn chưa có thủy điện Sông Đà nên vào mùa mưa lũ, nước sông Hồng dâng cao, có nguy cơ vỡ đê, nước tràn vào Hà Nội. Những yếu tố đó đòi hỏi Lăng phải có tầm cao tương xứng. Lăng còn được thiết kế thêm "buồng đặc biệt" để có thể giữ thi hài tại chỗ trong trường hợp có chiến tranh.
Ngày 29/8/1975, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh chính thức được khánh thành sau gần 2 năm thi công. Thi hài của Bác được di chuyển từ Đá Chông (Sơn Tây) về Hà Nội.
Dự lễ khánh thành có các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội và đại biểu ưu tú các giới, các đoàn thể, các tầng lớp xã hội, tôn giáo và khách quốc tế. Trong ảnh: Đoàn đại biểu Ban chấp hành Trung ương Đảng đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong ngày khánh thành (29/8/1975).
Lăng mở cửa 5 buổi sáng mỗi tuần (trừ thứ hai và thứ sáu). Trung bình, mỗi tuần có hơn 15.000 lượt người đến thăm viếng, rất nhiều cá nhân và đoàn thể đến viếng lăng vào các ngày lễ, các ngày kỷ niệm quan trọng của đất nước.
Hàng năm, Lăng đóng cửa để làm nhiệm vụ tu bổ định kỳ vào tháng 10 và tháng 11. Ngày 19/5, 2/9 và mùng 1 Tết Nguyên đán nếu trùng vào thứ hai hoặc thứ sáu thì lễ viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn được tổ chức.
Theo Việt Linh (Ảnh: TTXVN)/Zing.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét