Ngôi nhà nông thôn vùng đồng bằng sông Hồng hiện nay rất khác so với ngôi nhà nông thôn truyền thống nguyên gốc. Hiện nay, đa phần là những kiểu nhà mới, đáp ứng quá trình hiện đại hóa và đô thị hóa. Dường như sự khác biệt này có thể được lý giải bằng những nguyên nhân về khí hậu, kinh tế và đặc biệt là những thay đổi trong lối sống.
Người dân trong vùng xây nhà bị ảnh hưởng rất lớn theo những kiểu mẫu nhà tại những vùng đô thị lân cận hoặc theo khuôn mẫu của một sự pha trộn giữa kiểu nhà nông thôn và nhà thành phố.
Ngôi nhà nông thôn truyền thống có từ khá lâu đời (hiện vẫn còn những ngôi nhà có tuổi thọ khoảng 600 năm) và rất ít thay đổi cho đến năm 1986 (công cuộc Đổi mới trong lĩnh vực kinh tế của Việt Nam). Ngôi nhà nông thôn truyền thống vùng đồng bằng sông Hồng được xây bằng vật liệu địa phương, có cấu trúc bằng gỗ hoặc bằng tre khá đơn giản. Nhìn chung, kiến trúc nhà nông thôn truyền thống trong vùng rất đồng nhất và ảnh hưởng chủ yếu với hình thức ngôi đình làng. Kiểu nhà mới lần đầu xuất hiện tại các làng vùng đồng bằng sông Hồng là “nhà ống”. Kiểu nhà này có nguồn gốc từ thành phố, đặc biệt là Hà Nội. Điều này được lý giải bằng nhiều nguyên do: Mảnh đất của mỗi nhà nhỏ hơn trước, nông dân không làm nông nghiệp thuần túy nữa, sân và vườn không còn được sử dụng, tổng chi phí xây nhà truyền thống cũng ngang với xây nhà bê tông theo kiểu thành phố. Nhưng đa số những nông dân trong cuộc điều tra của chúng tôi đều không thể giải thích tại sao họ lại chọn kiểu nhà phố khi xây nhà.
Do hậu quả của việc tái cơ cấu dân số, những yếu tố như mật độ dân số, nhu cầu cải thiện mạng lưới cơ sở hạ tầng và trang thiết bị, sự khác biệt về không gian-xã hội givữa thành thị và làng ven đô xuất hiện ngày càng nhiều. Thực tế là, mật độ dân số thành thị và trong các làng ven đô đang tăng quá mức. Mạng lưới cơ sở hạ tầng và trang thiết bị không đủ và không đáp ứng được. Sự phân hóa không gian xã hội cũng tăng lên.
Kéo theo đó là những vấn đề trong công tác quản lý đô thị, vấn đề về nhà ở, cơ sở hạ tầng đường bộ, cấp nước sạch và thoát nước thải cũng như cơ cấu giáo dục và y tế.
Sau khi quan sát thực địa, chúng tôi đã thực hiện các cuộc khảo sát, chúng tôi sẽ giới thiệu những kiểu nhà trong những vùng nông thôn ngày nay:
Nhà truyền thống cách tân, được xem là nhân chứng của động lực phát triển nông thôn mới: Được xây bằng gỗ cho đến những năm 1960, tường và mái nhà đã được làm mới bằng vật liệu rắn khi mức sống được nâng cao. Chái nhà biến mất và ngói lợp được sản xuất bằng máy xuất hiện. Một ban công giả đã được thêm vào. “Nhà khối hộp” hoặc “nhà ống” xuất hiện, chúng được xây dựng chắc chắn và có sân. “Nhà khối hộp” là một kiểu nhà nông thôn những năm 1960-1970. Nhà được xây bằng bê tông và gạch. Cấu trúc “nhà khối hộp” là tường chịu tải bằng gạch và dầm bê tông. Mái nhà đồng thời giữ chức năng trần nhà, được đổ bê tông đúc tại chỗ. Hình dạng bên ngoài của kiểu nhà này giống như các khối lập phương chỉ với một tầng.
Nhà “cấp bốn” là một kiểu nhà nông thôn truyền thống cách tân. Kiểu nhà này được đơn giản hóa nhiều và nhỏ hơn so với nhà truyền thống. Cấu trúc nhà “cấp bốn” là tường chịu lực bằng gạch với khung nhà rất đơn giản bằng gỗ hoặc thép. Khung nhà được đặt trực tiếp lên các bức tường chịu lực. Hình dáng bên ngoài của căn nhà giống với nhà truyền thống nhưng nhỏ hơn, thông thường nhà này cũng có từ ba đến năm gian. Điểm khác biệt là các chi tiết trang trí nội ngoại thất của ngôi nhà.
Nhà “cấp bốn”, giai đoạn trung gian giữa khu vực nông thôn và khu vực thành thị, đặc trưng cho sự chuyển hóa kiến trúc đầu tiên trong những năm 1970: Ở khu vực nông thôn, gần các khu công nghiệp, dọc hai bên đường đều là nhà “cấp bốn”. Tại các làng nằm trong đô thị, nhà “cấp bốn” được thay thế bằng nhà “ống”.
Tính đô thị xuất hiện trong các ngôi làng vào cuối những năm 1980 và đầu những năm 1990, với “nhà ống” và biệt thự tư nhân: “nhà ống” là dấu hiệu rõ nét nhất của tính đô thị. Biệt thự tư nhân đánh dấu giai đoạn cuối cùng của quá trình hội nhập đô thị của tầng lớp giàu có nhất.
Nhà “ống”
Những ngôi nhà được gọi như vậy vì chúng có mặt tiền hẹp và có chiều dài lớn. Trong tiếng Việt, chúng được gọi là “nhà ống”. Loại nhà này nằm vuông góc và trải dài theo đường.
Trong từ điển tiếng Việt, định nghĩa về “nhà ống” là “mô hình nhà ở được xây dựng ở các khu vực đô thị chật hẹp, nơi không có đủ đất trống. Hình dạng, đặc trưng bởi chiều dài gấp nhiều lần chiều rộng, cũng như hai bức tường đặc ở hai bên (trên những mặt tường bên này không có lỗ cửa), gợi lên hình ảnh một chiếc ống khổng lồ”. Từ “ống” là một cách gọi nhấn mạnh vào hình dáng bề ngoài và bắt nguồn từ thời thuộc địa khi từ “ống” từng được dùng để chỉ những ngôi nhà thuôn dài của người Hà Nội. Cụm từ này miêu tả kích thước bề ngoài của một kiểu nhà thành phố có mặt tiền rộng trung bình từ hai đến bốn mét trong khi chiều dài lại dao động từ hai mươi đến sáu mươi mét và thậm chí trong một vài trường hợp có thể lên đến một trăm năm mươi mét. Một số ngôi nhà còn có tới hai mặt tiền.
Có giả thiết về mối liên hệ trực tiếp giữa nhà ống và nhà nông thôn truyền thống vùng đồng bằng sông Hồng. Nhà truyền thống (nhà có từ ba đến năm gian), trải qua một hành trình dài với nhiều khúc quanh dẫn từ nhà nông thôn truyền thống đến không gian đô thị: Biến đổi, sửa đổi và thích ứng. Trong nghiên cứu về kiến trúc Hà Nội của mình, PGS.TS Đặng Thái Hoàng đã chỉ ra rằng những ngôi nhà nông thôn ba gian từ lâu được chia nhỏ thành các dãy nhà một gian, tiền thân của nhà “ống”. Vào cuối thế kỷ 19, tại trung tâm buôn bán của thành phố, nhà gỗ một gian đã được thay thế hoặc chuyển thành nhà “ống”.
Phần lớn các nhà nghiên cứu Việt Nam đều khẳng định kiểu nhà “ống” chỉ có ở Việt Nam. Theo lập luận của họ, dựa trên các chỉ dẫn khảo cổ của các tiêu bản đất nung được tìm thấy trong các ngôi mộ chứng minh rằng kiểu nhà này đã tồn tại ở Việt Nam từ rất lâu. Ta có thể thấy có sự gần gũi nhất định với ngôi nhà nông thôn điển hình được bố trí quanh một khoảng sân. Ngôi nhà này khép kín với bên ngoài bằng một hàng rào, nhưng lại mở ra sân nơi diễn ra phần lớn các hoạt động và xung quanh sân là ngôi nhà và các công trình phụ.
Một số loại hình nhà ở nông thôn khác : Những năm gần đây, dưới sự phát triển kinh tế nhờ vào công cuộc công nghiệp hóa và đô thị hóa, bộ mặt kiến trúc nông thôn vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng có nhiều sự thay đổi tích cực. Với mặt trái là những vấn đề như đã nêu ở trên, không gian nông thôn bị thu hẹp lại, kiến trúc truyền thống bị mai một và mất đi nhiều những giá trị cốt lõi thì có vẻ như kiến trúc nông thôn đang tìm ra một hướng đi mới đúng đắn hơn, hợp lý với các điều kiện thực tế hơn.Với sự góp mặt của các KTS được đào tạo bài bản, với các chương trình nghiên cứu về không gian kiến trúc nông thôn của các tổ chức nghề nghiệp đã làm cho nhà ở nông thôn có một diện mạo mới. Thường thì các công trình này được các KTS nghiên cứu và đưa ra những thiết kế nhằm trả lời được các câu hỏi lớn về các vấn đề biến đổi khí hậu, thay đổi điều kiện kinh tế và thay đổi thói quen sinh hoạt của người dân.
Đứng trước một thực tế là còn rất ít những ngôi làng với đa số người dân làm nông nghiệp, họ cần rất nhiều không gian vừa ở vừa phục vụ làm kinh tế nông nghiệp thì ngày nay đa số những người dân trong các ngôi làng vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng còn còn làm kinh tế thuần nông, trong các gia đình đã xuất hiện rất nhiều ngành nghề khác nhau, đặc biệt là việc làm trong các nhà máy công nghiệp ở các khu công nghiệp lớn nhỏ mọc lên xung quanh ngôi làng của họ. Vì thế, nhu cầu sử dụng các không gian kiến trúc cũng biến đổi theo. Trên đây là một vài nghiên cứu hết sức sơ lược về sự biến đổi về hình thức kiến trúc và công năng của “ngôi nhà nông thôn” trong vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, từ đó cho chúng ta có cái nhìn tổng thể và có những cách ứng xử hợp lý với loại hình kiến trúc đã tồn tại từ rất lâu này.
*TS.KTS DPLG Nguyễn Việt Huy
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 07-2019)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét