(Xây dựng) – Cùng với sự đầu tư về cảng biển, đường cao tốc có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội. Những năm trở lại đây, Hải Phòng còn được biết đến với tên gọi “thành phố của những cây cầu”.
Cầu Bính góp phần rất lớn trong việc phát triển kinh tế - xã hội của quận Hồng Bàng nói riêng và TP Hải Phòng nói chung.
Đất Cảng “vươn vai”
Hình ảnh cây cầu trong suy nghĩ của mỗi người đã hàm chứa những ý nghĩa ước lệ của cuộc sống. Đó là sự kết nối, là vật “nối hai bờ vui” là sự gặp gỡ giữa hai vùng đất, thiết lập những quan hệ mới giữa đất với đất, giữa người với người.
Về phát triển kinh tế, những cây cầu vượt sông, vượt biển, không chỉ góp phần hoàn chỉnh hạ tầng giao thông, giải quyết ách tắc hàng ngày mà còn còn góp phần mở rộng, làm đẹp thành phố. Đặc biệt, nhiều cây cầu hiện đại đã hiện thực hóa ước mơ ngàn đời của người dân đất Cảng, là nhịp cầu góp phần kết nối giao thương, phát triển kinh tế - xã hội giữa các địa phương và các tỉnh lân cận.
Cầu vượt biển Tân Vũ – Lạch Huyền được coi là dài nhất Đông Nam Á.
Nói đến Hải Phòng, có lẽ ấn tượng nhất phải kể đến cây cầu vượt biển dài nhất Đông Nam Á: Cầu Tân Vũ - Lạch Huyện, với chiều dài hơn 16 km (gồm cả cầu và đường dẫn). Trong đó, phần cầu dài 5,44km, nối liền 02 bờ của luồng Nam Triệu, bề mặt rộng 16m với 04 làn xe, có tổng vốn đầu tư 11.850 tỷ đồng. Cầu được khai thác, sử dụng đúng dịp Quốc khánh năm 2017 và mang lại giá trị và lợi ích to lớn cho Hải Phòng cũng như hoạt động giao thương của các tỉnh phía Bắc. Đúng như lời ông Lê Văn Thành, Bí thư Thành ủy Hải Phòng đã khẳng định: “Cầu Tân Vũ - Lạch Huyện kết nối cảng Lạch Huyện (huyện Cát Hải) với đất liền; kết nối nội thành Hải Phòng với khu du lịch tầm cỡ quốc tế Cát Bà và người dân huyện đảo Cát Hải. Đây là cây cầu giúp đảo xa gần hơn với đất liền”.
Dự án cầu Bính bắc qua sông Cấm, nối liền quận Hồng Bàng và huyện Thủy Nguyên, cùng với cầu Kiền, hệ thống QL10, QL5 đã đóng góp vào sự phát triển giao thông đường bộ phù hợp với chiến lược phát triển khu kinh tế tam giác Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế và hình thành khu đô thị Bắc sông Cấm theo quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt. Hiệu quả rõ nhất của cầu Bính đã tạo điều kiện để thành phố khai thác tối đa tiềm năng kinh tế của huyện Thủy Nguyên (địa bàn tiếp giáp với tỉnh Quảng Ninh), nơi có nhiều nhà máy lớn (nhà máy đóng tàu Phà Rừng, đóng tàu Nam Triệu, xi măng Hải Phòng, xi măng Chinfon...) thu hút và giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động.
Sau khi cầu Bính hoàn thành, các khu công nghiệp, đô thị phía Bắc sông Cấm đã hình thành, tạo điều kiện rất lớn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội huyện Thuỷ Nguyên nói riêng và TP Hải Phòng nói chung, hiện thực hóa ước mơ của hơn 275.000 người dân sống trên địa bàn Thuỷ Nguyên, chấm dứt cảnh qua sông bằng phà.
Cầu Hoàng Văn Thụ đang gấp rút hoàn thiện để đưa vào sử dụng.
Ông Phạm Văn Đoan – Phó Chủ tịch UBND quận Hồng Bàng cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn quận Hồng Bàng có rất nhiều công trình trọng điểm của thành phố được triển khai, đặc biệt có cây cầu Hoàng Văn Thụ. UBND TP Hải Phòng đang gấp rút chỉ đạo các nhà thầu hoàn thiện để khánh thành đưa vào sử dụng trong thời gian sớm nhất. Cây cầu này có ý nghĩa to lớn đối với phát triển đô thị, kinh tế của TP Hải Phòng nói chung và quận Hồng Bàng nói riêng. Nó sẽ đáp ứng được trục kết nối giữa trung tâm thành phố với khu vực đô thị Bắc sông Cấm và trung tâm chính trị của TP Hải Phòng đồng thời là điểm kết nối giao thông với khu vực tỉnh Quảng Ninh và tỉnh Hải Dương”.
“Bên cạnh đó, nút giao Nam cầu Bính là một công trình trọng điểm, trong đó TP Hải Phòng đang chỉ đạo nhà thầu quyết liệt để sớm hoàn thiện nút giao thông này. Trục nút giao Nam cầu Bính kết nối đi qua các trục đường quốc lộ lớn của TP Hải Phòng phân bổ lượng lớn các phương tiện giao thông nội đô để đi ra quận, huyện, tỉnh bạn và kết nối trục đường 10 đi tỉnh Thái Bình, Nam Định, Quảng Ninh…
Đối với Cầu Bính, cây cầu này thực hiện bằng nguồn vốn ODA và đi vào sử dụng từ nhiều năm nay. Từ khi đi đưa vào sử dụng, cầu đã trở thành điểm nhấn về chỉnh trang đô thị và toàn bộ luồng giao thông từ huyện Thủy Nguyên, góp phần rất lớn trong việc phát triển kinh tế xã hội của TP Hải Phòng và quận Hồng Bàng”, ông Đoan chia sẻ thêm.
Cầu Khuể bắc qua sông Văn Úc, nối 2 bờ huyện An Lão và huyện Tiên Lãng (10/2007 - 10/2010), là một trong những dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ được đánh giá là có hiệu quả cao và ý nghĩa lớn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh tại các huyện khu vực phía Tây Nam và thành phố. Việc xây dựng cầu Khuể thay thế phà Khuể góp phần cải thiện điều kiện hạ tầng giao thông, đi lại, nâng cao nhu cầu vận tải, thúc đẩy phát triển các ngành nghề, công nghiệp, dịch vụ trên địa bàn; cải thiện đời sống kinh tế của nhân dân, đảm bảo mục tiêu xóa đói giảm nghèo của địa phương, tiến tới đảm bảo hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của thành phố giai đoạn 2010 - 2030.
Cầu Rào 2 bắc qua sông Lạch Tray, cách cầu Rào cũ khoảng 1km về phía thượng lưu, nối với đường Hồ Sen - Cầu Rào II và nối với đường 353 (đường Phạm Văn Đồng) từ Hải Phòng đi Đồ Sơn. Dự án được xây dựng theo quy hoạch phát triển không gian đô thị thành phố. Cầu Rào 2 hoàn thành cùng lúc với tuyến đường cầu Rào 2 - nút giao Nguyễn Văn Linh đã góp phần tạo ra mạng lưới giao thông hoàn chỉnh, kết nối trung tâm thành phố với đường Phạm Văn Đồng đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Hai bên tuyến đường cầu Rào 2 - nút giao Nguyễn Văn Linh đã và đang hình thành những khu đô thị mới, những trung tâm thương mại hiện đại của các tập đoàn lớn trong và ngoài nước làm thay đổi từng ngày diện mạo đô thị của khu vực phía Nam thành phố.
Cầu Rào 2 tạo ra mạng lưới giao thông hoàn chỉnh, kết nối kết nối trung tâm TP Hải Phòng.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Phạm Văn Tân – Phó Chủ tịch UBND quận Lê Chân cho biết: Khi đưa vào sử dụng Cầu Rào 2, cầu vượt nút giao Nguyễn Văn Linh đã tạo hiệu quả trong việc chỉnh trang đô thị của quận. Đây là cửa ngõ quan trọng của TP Hải Phòng kết nối với các tỉnh lân cận thông qua đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng. Trước đây, khu vực này là điểm đen về tai nạn giao thông; đến nay đã khắc phục được vấn đề đồng thời kết nối khu đô thị cũ khu vực trung tâm qua đường Nguyễn Văn Linh, kết nối với khu vực mới sáp nhập vào địa bàn quận có tuyến đường Hồ Sen - Cầu Rào II giai đoạn 1 đã được đầu tư xây dựng. Đồng thời, khi có tuyến cầu vượt này thì việc khai thác quỹ đất của quận ven sông Lạch Tray được hiệu quả. Chúng tôi đã thu hút được nhiều nhà đầu tư quan tâm đến địa bàn thành phố trong đó có quận Lê Chân như: Trung tâm mua sắm AEON, Tập đoàn tài chính Hoàng Huy, Khu đô thị mới Vingroup, dự án của Singapore Làng Việt Kiều… Đến năm 2020, các hạng mục công trình này đưa vào khai thác sử dụng sẽ góp phần phát triển đô thị đồng thời phát triển thương mại dịch vụ lớn của quận Lê Chân”.
Bên cạnh đó, cây cầu vượt Nguyễn Bỉnh Khiêm - Lê Hồng Phong là cây cầu huyết mạch mở rộng không gian đô thị Hải Phòng, nằm trong dự án đầu tư xây dựng trục đường Hồ Sen - Cầu Rào 2, công trình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông đô thị phía Nam và Đông Nam thành phố. Theo thiết kế, cầu vượt có kiến trúc cầu vòm, chiều dài cầu 288,2m, nhịp chính dài 100m và mặt cầu rộng 19m, đoạn tường chắn hai đầu cầu rộng từ 16,5m - 19m; mặt đường rộng 7,5m, hè đường rộng 3m, là công trình giao thông cấp 1, có tổng mức đầu tư 1.405 tỷ đồng bằng nguồn ngân sách của thành phố. Trục giao thông này góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông, giảm lưu lượng giao thông cho tuyến đường Cầu Đất - Lạch Tray - Cầu Rào, phát huy hiệu quả khai thác cầu Rào 2, tăng năng lực vận tải cho hệ thống cảng biển Hải Phòng. Dự kiến công trình sẽ đưa vào hoạt động trước Tết Nguyên đán 2019.
Cây cầu nối những “bến bờ vui”
Cầu vốn là một công trình tốn kém, khi thiết kế cầu chủ nghĩa công năng chiếm ưu thế tuyệt đối trong các thiết kế. Mặt khác, vì chúng là những công trình đặc biệt với số lượng ít, nhất là trong đô thị, dẫn đến người ta cũng rất quan tâm đến tính mỹ học của chiếc cầu.
Nói không ngoa rằng, nhìn vào sự độc đáo, hiện đại của mẫu thiết kế cầu đi kèm với công nghệ thi công tiên tiến để đánh giá cái tầm của chính quyền đô thị. Những cây cầu ở Hải Phòng không nằm ngoài 03 loại với đặc trưng hình dáng riêng biệt là cầu dầm, cầu vòm và cầu treo.
Thời gian gần đây, trong các đô thị hiện đại Việt Nam cầu treo dây văng hay dây võng ngày càng được lựa chọn cho những công trình đặc biệt vì kiểu dáng thẩm mỹ hiện đại có khả năng vượt nhịp lớn với kết cấu thanh mảnh, ý đồ tôn vinh sự phát triển và hiện đại. Người Hải Phòng tự hào với cầu Bính, cây cầu dây văng đẹp hiện đại với những bó cáp được bố trí như những cột buồm căng gió ra khơi.
Cầu vượt biển Tân Vũ dài nhất Đông Nam Á như một bằng chứng về sự lớn mạnh của năng lực sáng tạo và trình độ quản lý của TP Hải Phòng, sử dụng phương pháp đúc sẵn các đốt dầm bê tông cốt thép (SBS) để có thể rút ngắn khoảng thời gian xây dựng. Đây là lần đầu tiên sử dụng phương pháp xây dựng này ở Việt Nam. Công nghệ này được xếp loại là một trong những ứng dụng lớn nhất của phương pháp SBS trên thế giới.
Sự hiện đại và năng động trong kiến trúc và công năng hoạt động của chiếc cầu đã thuyết phục được người dân người dân Hải Phòng nhanh chóng coi nó là một biểu tượng mới cho thành phố của mình.
Cái “thế núi thế sông và mênh mông biển cả” của TP Hải Phòng đã làm nền cho những ý tưởng xây dựng những cây cầu kiến trúc mới lạ để tạo cảm hứng cho sự phát triển năng động.
Ông Nguyễn Đức Thọ - Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Hải Phòng cho biết: “Trong những năm vừa qua, TP Hải Phòng được sự quan tâm của Chính phủ, Bộ ban ngành Trung ương và sự quyết liệt của Thành ủy, HĐND, UBND trong triển khai kết cấu hạ tầng giao thông mang tính đột phá và đặc biệt xây dựng một loạt các cây cầu có ý nghĩa hết sức quan trọng. Khi các cây cầu được hình thành thì việc kết nối vùng giữa TP Hải Phòng với các địa phương lân cận trong tam giác kinh tế Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh sẽ tạo sự phát triển, đồng thời thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước có tiềm lực đầu tư về TP Hải Phòng”.
“Chúng ta đã biết, giao thông đi trước mở đường tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế và đặc biệt các nhà đầu tư đứng ở TP Hải Phòng. Thứ hai, việc xây dựng các cây cầu tạo thuận lợi cho việc giải phóng áp lực về giao thông tạo được thông thoáng để cho phát triển kinh tế - xã hội phục vụ cho an sinh cũng như phát triển du lịch của TP Hải Phòng. Thứ 3, hình thành các cây cầu thể hiện được sự chỉnh trang đô thị cho TP Hải Phòng tạo nét mới, đột phá, kết cấu không gian của TP Hải Phòng có nét mới. Sắp tới TP Hải Phòng sẽ đầu tư một loạt cây cầu nhằm kết nối TP Hải Phòng với các tỉnh Quảng Ninh, Thái Bình, Hải Dương… tạo điều kiện thuận lợi cho việc kết nối vùng thực hiện theo Nghị Quyết 45 của Bộ Chính trị về phát triển của TP Hải Phòng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045”, ông Thọ nhấn mạnh.
Hải Nguyên – Thành Luân (ảnh Phong Pink)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét