Vừa qua, chính quyền TP HCM đã mở một cuộc tham vấn về việc liệu Dinh Thượng Thơ có nên được đưa vào danh sách di sản của thành phố hay không. Hành động này là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử chính sách phát triển đô thị ở Việt Nam. Nhưng kể từ đây, nó cũng đặt ra những câu hỏi khó về cách tiếp cận – phương thức bảo tồn trong thời gian tới.
Cuộc tranh luận về việc phá hủy Dinh Thượng Thơ là một bước ngoặt lịch sử vì hai lý do. Đầu tiên, thật phấn khởi khi thấy rằng rất nhiều người ở Việt Nam lo ngại về sự có thể biến mất của tòa nhà tráng lệ này. Các chuyên gia đã viết những bài báo về giá trị kiến trúc của tòa nhà, các công dân đã đăng tải những bài viết trên mạng xã hội thể hiện sự “thất kinh” của họ về sự mất mát có thể xảy đến, nhiều người khác thì đã ký vào các kiến nghị yêu cầu bảo tồn tòa dinh thự…
Vào thời điểm mà sự phát triển là điều rất quan trọng đối với người Việt Nam, có một rủi ro là không ai quan tâm đến việc bảo vệ di sản của thành phố. Những viên gạch cũ, vôi vữa và xi măng có thể dễ dàng bị loại bỏ như một thứ của quá khứ, hoặc thậm chí như là một “vết sẹo” từ sự áp bức của thực dân. Nhưng phản ứng phổ biến đã cho thấy rằng người Việt Nam quan tâm đến lịch sử và cá tính của thành phố vốn có.
Ở những nền kinh tế tiên tiến, ý thức đô thị được chú trọng nhiều hơn trong quá trình phát triển về sau, vào thời điểm những nước đó đã giàu có. Việt Nam chưa phải là một quốc gia giàu có – Đó là lý do tại sao phong trào phát triển xung quanh câu chuyện Dinh Thượng Thơ là một bằng chứng nữa cho thấy Việt Nam là một quốc gia thực sự đặc biệt.
Hành động của chính quyền TP HCM nhằm ngăn chặn việc phá hủy Dinh Thượng Thơ cũng rất quan trọng vì một lẽ khác. Nó cho thấy một chính quyền đô thị biết lắng nghe người dân, và phản ứng tích cực với những mối quan tâm của dân chúng. Các bài báo, bài viết trên mạng xã hội và các kiến nghị đã ký có thể dễ dàng bị bỏ qua. Thay vào đó, chính quyền địa phương đã hành động và mở một cuộc hội thảo tham vấn. Đây là cách mà chính sách phát triển đô thị nên được tiến hành, và một lần nữa, Việt Nam có thể cảm thấy tự hào về điều đó.
Đồng thời, quyết định nắm giữ di sản đô thị cũng nghiêm túc đặt ra một câu hỏi khó, cụ thể là: Di sản là gì? Than ôi, tất cả các nơi trên thế giới, không riêng ở Việt Nam, chúng ta không được trang bị đầy đủ để trả lời câu hỏi này. Chúng ta thường kiểm tra xem liệu một nơi nào đó có thực sự nổi bật từ quan điểm kiến trúc hay lịch sử không. Nhưng một danh sách di sản được xây dựng trên định nghĩa hạn hẹp này nhất thiết là ngắn gọn đến bực bội.
Ví dụ, để lọt vào Danh sách Di sản Thế giới của UNESCO, một điểm văn hóa cần đáp ứng ít nhất một trong sáu tiêu chí. Đơn giản hơn một chút, địa điểm ấy nên: (i) đại diện cho một kiệt tác của thiên tài sáng tạo nhân loại, (ii) quan trọng trong giới hạn về kiến trúc, công nghệ, quy hoạch đô thị hoặc thiết kế cảnh quan, (iii) là một chứng thực độc đáo về truyền thống văn hóa, (iv) là một ví dụ nổi bật về một kiểu tòa nhà, (v) là một ví dụ xuất chúng cho một khu định cư, hoặc (vi) được liên kết trực tiếp với các sự kiện trọng đại.
Các quốc gia và thành phố sử dụng những tiêu chí ít hạn chế hơn Danh sách Di sản Thế giới của UNESCO. Và tôi có chút hồ nghi rằng Dinh Thượng Thơ sẽ đủ điều kiện để lọt vào danh sách di sản của TP HCM, vì nó chỉ là một trong vài chục tòa nhà thuộc địa nổi bật còn tồn tại trong thành phố. Nhưng với tư cách là một nhà kinh tế thường làm việc về các vấn đề đô thị, tôi không thể hài lòng với những định nghĩa tiêu chuẩn về di sản.
Các nhà kinh tế là những người có đầu óc “hạn hẹp”: Họ quan tâm đến giá trị, loại giá trị có thể đo đếm được bằng đô la hoặc tiền đồng. Và họ tin rằng mục tiêu của chính quyền nên là tối đa hóa giá trị của các thành phố, bởi vì điều đó đảm bảo phúc lợi cao hơn cho đất nước. Từ quan điểm đó, điều thực sự quan trọng là liệu việc bảo tồn sẽ tốt hơn cho dân chúng. Điều này có thể xảy ra theo hai cách khác nhau.
Thứ nhất, di sản có thể có giá trị kinh tế trực tiếp, tương tự như giá trị chúng ta thu được từ hàng tiêu dùng. Ví dụ, nhiều người Việt Nam sẵn sàng chi tiền (đôi khi rất nhiều tiền) để đi du lịch nước ngoài và tận hưởng sự quyến rũ, sống động của các thành phố xinh đẹp trên thế giới. Vì vậy, người ta có thể mong đợi họ cũng sẵn sàng hy sinh một số nguồn lực để thành phố của họ giữ được vẻ duyên dáng, sống động, và họ cảm thấy hài lòng ngay cả khi họ không đi du lịch nước ngoài.
Lấy Hà Nội làm ví dụ. Những hàng cổ thụ, biệt thự Pháp yêu kiều, sự sống động của những quán ăn đường phố, hay thậm chí cả đời sống xã hội của các khu tập thể, tất cả đều có giá trị kinh tế trực tiếp. Người Hà Nội sẽ trải qua một sự mất mát về phúc lợi nếu những điều quan trọng vốn góp mặt trong lịch sử cá nhân của họ biến mất. Nhưng cây cổ thụ, biệt thự Pháp thông thường, quầy thức ăn đường phố và đời sống xã hội của các khu tập thể sẽ không bao giờ hội đủ điều kiện cho một danh sách di sản tiêu chuẩn.
Di sản cũng có thể có giá trị kinh tế gián tiếp. Sự sống động của một thành phố rất phụ thuộc vào tài năng mà nó thu hút được. Các nhà phát minh đang đi đầu trong nghiên cứu, các doanh nhân phát triển sản phẩm mới và kỹ thuật quản lý, nghệ sĩ tạo ra giá trị với tác phẩm của họ, giới truyền thông làm phong phú cho sự trao đổi ý tưởng… đây là những người làm nên một thành phố tuyệt vời và giàu có. Những người này có “gu” rất tinh tế và sành điệu. Và họ có thể chọn nơi để sống.
Di sản độc đáo làm gia tăng “cá tính” của một thành phố và giúp thu hút tài năng hàng đầu. Vì vậy, ngay cả khi người dân không quan tâm gì đến cây xanh và những tòa biệt thự, hoặc về thức ăn đường phố hay các khu tập thể, thì họ vẫn sẽ quan tâm đến việc bảo vệ các hình thức vô hình này của di sản. Hà Nội và TP HCM có nhiều đặc tính hấp dẫn hơn hầu hết các thành phố lớn khác ở Đông Á. Di sản của hai thành phố này là một tài sản trong cuộc cạnh tranh toàn cầu để thu hút tài năng. Đánh mất tài sản vô hình này sẽ tổn hại cho Việt Nam giống như việc để mất đi một thương hiệu quan trọng.
Tóm lại, đối với một nhà kinh tế hẹp hòi như tôi, câu hỏi không phải là liệu di sản của các trung tâm đô thị Việt Nam có nên được bảo tồn hay không. Câu trả lời là một tiếng “Vâng” vang dội. Câu hỏi quan trọng hơn là: Làm thế nào để quyết định những gì chính xác là thứ xứng đáng bảo tồn, làm thế nào để đánh giá bao nhiêu tiền nó xứng đáng hy sinh để bảo tồn, và làm thế nào để sử dụng tiền này hiệu quả nhất???
Một số câu trả lời cho những câu hỏi này là thuộc về kỹ thuật. Ví dụ, ngày nay có những kỹ thuật khảo sát để xác định xem giá trị của một bất động sản tăng lên bao nhiêu khi những di sản xung quanh nó được bảo tồn tốt. Nhưng các câu trả lời mang tính kỹ thuật chỉ là một phần của giải pháp, vì vẫn còn khá nhiều sự không chắc chắn và sự phán xét liên quan. Và đây là lý do tại sao việc tham vấn là rất quan trọng trong việc hỗ trợ các chính sách phát triển đô thị tốt.
Từ quan điểm này, với tư cách là một nhà kinh tế học, tôi đã rất cảm động trước hành động của TP HCM, tham vấn về giá trị di sản của Dinh Thượng Thơ.
Martin Rama
Giám đốc khu vực Nam Á – Ngân hàng Thế giới
*(Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả)
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 10-2018)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét