Đầu năm 2018, trong quá trình tu bổ, tôn tạo chùa Bổ Đà, một tam quan được xây dựng mới khá bề thế trong khuôn viên phía trước chùa. Việc đó dấy lên các luồng ý kiến trái chiều về cách ứng xử với một di tích có giá trị đặc biệt.

Việc xây dựng Tam quan mới tại di tích Chùa Bổ Đà, Bắc Giang năm 2018 gây nhiều ý kiến trái chiều

Chùa Bổ Đà là một trung tâm phật giáo lớn của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử, tọa lạc trên núi Phượng Hoàng, xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Tổng thể kiến trúc Chùa Bổ Đà độc đáo, khác biệt với vườn tháp lớn gồm hàng trăm ngôi tháp cổ, hệ thống các tượng thờ thời Lê và có bộ mộc bản kinh phật thiền phái Lâm Tế cổ nhất Việt Nam (1741). Công trình này được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt năm 2017. Đầu năm 2018, trong quá trình tu bổ, tôn tạo chùa Bổ Đà, một tam quan được xây dựng mới khá bề thế trong khuôn viên phía trước chùa. Việc đó dấy lên các luồng ý kiến trái chiều về cách ứng xử với một di tích có giá trị đặc biệt. Phía đồng thuận cho rằng tam quan là một công trình gắn với chùa, việc bổ sung yếu tố mới là để hoàn thiện tổng thể, xây tam quan trên phần vườn bỏ hoang là cải tạo cảnh quan đẹp lên, thuận tiện cho việc đi lại, mà không động đến di tích gốc, không trái luật và thực tế đã có sự thỏa thuận Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Phía phản đối lại khẳng định: Chùa Bổ Đà vốn có 2 lớp cổng nối nhau bằng một lối đi lát đá sa thạch, hai bên có các tường trình bằng đất cao 2m mà không có tam quan. Đó là một trong những đặc điểm độc đáo tạo nên giá trị của chùa, việc xây mới tam quan làm thay đổi đặc điểm vốn có, phá vỡ cảnh quan lịch sử và từ đó làm suy giảm giá trị của di tích này.

Đây chỉ là một trong rất nhiều những câu chuyện thực tế, gây tranh cãi xuất phát từ những vấn đề phức tạp, đa chiều và tạo ra những “nghịch lý” trong hoạt động bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa. Vậy những nghịch lý của bảo tồn xuất phát từ đâu? Cơ sở khoa học của bảo tồn là gì? Cần phải phân tích các vấn đề căn bản nhất của chuyên ngành bảo tồn di tích để trả lời những câu hỏi này.

John Ruskin (1819-1900), đại diện cho khuynh hướng “khắt khe” trong bảo tồn di tích.

Theo GS Salvador, sự bắt đầu của hoạt động bảo tồn như là một hoạt động khoa học, một nhu cầu văn hóa của xã hội có từ thế kỷ 18. Những vấn đề được đưa ra bởi Pietro Edwards (1744-1821), nhà bảo tồn người Italia, vào thời điểm đó có thể coi là những ví dụ đầu tiên của lý thuyết bảo tồn. Hoạt động bảo tồn có ý thức dẫn đến việc xử lý một số đối tượng theo cách khác so với các đối tượng còn lại, chẳng hạn như việc tu bổ mà không sửa sang, hiện đại hóa. Có khi chỉ căn cứ vào một tiêu chí nào đó để phân biệt một vật là đối tượng bảo tồn với vật khác giống nó (nhưng lại không phải là đối tượng bảo tồn).

Chẳng hạn Giorgio Bonsanti1 đã nêu một cách súc tích trong tác phẩm của mình (1997) là: “Nếu một chiếc ghế bị gãy, nó được sửa chữa. Nếu Brustolon2 làm chiếc ghế đó, nó sẽ được bảo tồn”. Có nghĩa là cùng những hành động như gắn vá, loại bỏ côn trùng… trên hai đối tượng giống nhau lại có thể được coi là việc nghề mộc hoặc việc bảo tồn. Chính vì vậy, việc định nghĩa bảo tồn và đối tượng của bảo tồn một cách đầy đủ không phải là việc dễ dàng. Từ ví dụ trên có thể thấy rằng, đặc tính của đối tượng là yếu tố quan trọng trong bảo tồn, chính đặc tính ấy làm cho các hoạt động sửa chữa thông thường trở thành hoạt động bảo tồn đúng với bản chất của nó. Đặc tính của đối tượng lại được xác định bởi việc đánh giá các giá trị của nó. Như vậy, giá trị của đối tượng chính là yếu tố cốt lõi của hoạt động bảo tồn.

Nhưng giá trị, đến lượt nó, lại là một khái niệm hết sức phức tạp, phụ thuộc vào những qui ước và sự thẩm định. Tùy theo tính chất có thể chia thành giá trị vật chất, giá trị tinh thần, theo thời gian có giá trị vĩnh cửu, giá trị nhất thời, theo ý nghĩa có giá trị sử dụng, giá trị thẩm mỹ, giá trị đạo đức… Những giá trị phổ biến thường quy về các chuẩn mực Chân – Thiện – Mỹ. Một cách chung nhất, có thể coi giá trị là linh hồn cuả văn hóa, bản sắc văn hóa của một cộng đồng hay một vùng miền có thể khái quát bằng một hệ giá trị. Tuy nhiên, giá trị lại có tính ước lệ, tuân theo những qui ước truyền thống của một cộng đồng nhất định và vì thế nó biến động theo không gian, thời gian, không cố định về quan niệm tốt, xấu. Tháp Eiffel ở Paris từng bị người dân Pháp chê bai là “xấu xí”, “nực cười”, “thảm họa”, các văn nghệ sỹ, chuyên gia kiến trúc, đô thị thì gọi nó là “bộ xương”, “ống khói”… và suýt bị dỡ bỏ. Nay nó đã trở thành biểu tượng nổi bật nhất của Paris, có sức hút vượt xa các công trình kiến trúc nổi tiếng khác nhau như Nhà thờ Đức Bà, Khải hoàn môn, Điện Invalides.

Tháp Eiffel từng suýt bị dỡ bỏ, nay trở thành biểu tượng nổi bật của Paris

Văn kiện Nara về tính xác thực (1994) khẳng định: “Mọi phán xét về giá trị được thừa nhận đối với di sản văn hóa có thể khác nhau giữa các văn hóa và ngay cả trong một văn hóa… Lòng tôn trọng với mọi văn hóa đòi hỏi mỗi di sản văn hóa phải được suy xét và phán xét theo các tiêu chí đặc trưng cho bối cảnh văn hóa mà trong đó di sản kia tọa lạc”. Trên thực tế, giá trị của các tác phẩm kiến trúc, nghệ thuật hay của di sản văn hóa được xác định bởi sự thẩm định của các chuyên gia và của cộng đồng. Khi có sự đồng thuận, các giá trị được tôn vinh và là cơ sở của hoạt động bảo tồn và phát huy di sản trong cuộc sống đương đại. Tuy nhiên, nhiều trường hợp không có sự đồng thuận giữa chuyên gia và cộng đồng hoặc ngay giữa các chuyên gia với nhau. Khi đó, việc xác định giá trị của đối tượng trở nên khó khăn hơn, và hoạt động bảo tồn gây ra nhiều ý kiến trái ngược với những nghịch lý và những cuộc tranh cãi bất tận. Mặc dù vậy, điều đó không có nghĩa là việc đánh giá giá trị của đối tượng và nội dung của hoạt động bảo tồn chúng lại có thể trở nên “vô định”. Bởi vì hoạt động bảo tồn di tích, di sản có cơ sở khoa học của nó. Trong trường hợp này, cơ sở khoa học là những nhận thức, những tiêu chí, chuẩn mực đã được thống nhất trong hệ thống lý thuyết chuyên ngành, những vấn đề đã được qui định trong các văn bản pháp lý, là cơ sở cho việc đánh giá, thẩm định giá trị của các di tích, di sản.

Viollet le Duc (1814-1897), đại diện cho khuynh hướng “dễ dãi” trong bảo tồn di tích

Khi đã xác định được giá trị, hoạt động bảo tồn di tích lại bị chi phối bởi các quan niệm, nhận thức về bảo tồn. Các quan niệm, nhận thức về bảo tồn khá phong phú và phức tạp, diễn ra trong một “biên độ” rộng. John Ruskin (họa sỹ, nhà tư tưởng, nhà hoạt động xã hội người Anh, 1819-1900) và Viollet le Duc (KTS, nhà khoa học, nhà phê bình người Pháp, 1814-1897) được coi là hai lý thuyết gia đầu tiên về bảo tồn. Họ đại diện cho hai khuynh hướng “thái quá” về bảo tồn; từ khắt khe nhất cho đến dễ dãi nhất. Nếu John Ruskin với khuynh hướng “khắt khe”, coi trọng dấu ấn lịch sử, coi dấu ấn lịch sử là một phần của đối tượng, là cái đáng quý nhất của đối tượng cần phải bảo tồn, thì Viollet le Duc, với khuynh hướng “dễ dãi”, coi trạng thái nguyên thủy là trạng thái tốt nhất của đối tượng bảo tồn, thậm chí đó không phải là trạng thái nguyên gốc của vật chất mà là ý tưởng nguyên gốc của tác giả. Trên thực tế, tất cả các lý thuyết trên thế giới về lĩnh vực bảo tồn sau này đều nằm trong phạm vi của hai “thái cực” của John Ruskin và Viollet le Duc.

Ngày nay, trong sự phát triển đa tuyến của các vấn đề kinh tế – xã hội và sự đa dạng văn hóa toàn cầu, các quan điểm hiện đại về bảo tồn di tích rất phong phú, đa dạng và tạo ra các xu hướng song hành.

  • “Quan điểm lịch sử” đặt các yếu tố lịch sử lên hàng đầu trong hoạt động bảo tồn di tích để di tích luôn thực sự là bằng chứng xác thực và khách quan của những thời kỳ đã qua;
  • “Quan điểm bảo tồn tính nguyên gốc (authenticity)” coi di tích là tư liệu khách quan của quá khứ, mục tiêu bảo tồn tính nguyên gốc được xác định là tối thượng;
  • “Quan điểm di sản văn hóa phục vụ đời sống xã hội đương đại” luôn đặt việc bảo tồn di tích gắn liền với nhu cầu sử dụng và phát huy giá trị của di tích, sự tham gia trực tiếp của di tích vào việc đáp ứng các nhu cầu rất đa dạng của cuộc sống đương đại;
  • Quan điểm kết hợp bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của di tích” coi sự kết hợp các yếu tố vật thể và phi vật thể mới tạo nên giá trị đích thực của di tích, cần bảo tồn chúng thì những giá trị đầy đủ và đích thực của di tích mới được gìn giữ và lưu truyền một cách toàn vẹn;
  • “Quan điểm gắn kết và hài hòa giữa bảo tồn và phát triển” coi bảo tồn di tích là một nhân tố quan trọng của phát triển bền vững và phát triển tạo nguồn lực, điều kiện tốt cho công tác bảo tồn…

Như vậy, trong cùng một trường hợp, có thể có những cách ứng xử với di tích khác nhau khi tuân theo những quan điểm khác nhau kể trên (và còn những quan điểm khác nữa). Đây cũng chính là lý do dẫn đến có những hoạt động bảo tồn, tu bổ di tích gây ra nhiều ý kiến trái chiều, mỗi ý kiến được đưa ra theo quan điểm và cách tiếp cận khác nhau, thậm chí trái ngược.

Dự án tu bổ, tôn tạo di tích Đình Chu Quyến, Hà Nội được thực hiện theo quan điểm “Bảo tồn tính nguyên gốc”. Công trình được Giải thưởng của UIA về Bảo tồn di sản Khu vực châu Á và châu Đại Dương năm 2010

Và vì thế, những cuộc tranh luận rất khó đến được sự đồng thuận. Hoạt động bảo tồn, một lần nữa lại xuất hiện những “nghịch lý”. Tuy nhiên, trong mỗi trường hợp cụ thể, việc lựa chọn quan điểm cơ bản để ứng xử với di tích được căn cứ vào đặc điểm, tính chất, tình trạng, vai trò của di tích dựa trên kết quả nghiên cứu, khảo sát đầy đủ, kỹ lưỡng về di tích và tổng hòa các vấn đề liên quan. Theo cách đó, mặc dù là không có giải pháp nào là tối ưu, tuyệt đối nhưng quan điểm cơ bản được lựa chọn theo hướng phù hợp nhất, hiệu quả hoạt động bảo tồn di tích sẽ tốt nhất trong phạm vi có thể.
Mặt khác, cần lưu ý rằng, có thể song song tồn tại nhiều quan điểm, nhiều cách tiếp cận di tích và hoạt động bảo tồn di tích khác nhau, việc lựa chọn quan điểm là linh hoạt hướng tới sự phù hợp nhất, nhưng dù theo quan điểm nào thì cũng đều phải tuân thủ hệ thống nguyên tắc của hoạt động bảo tồn đã được xác định. Những nguyên tắc của bảo tồn đã được thống nhất trong hệ thống lý thuyết chuyên ngành, các văn kiện quốc tế của các chuyên gia, các công ước quốc tế, các văn bản pháp lý của các quốc gia và chúng luôn được điều chỉnh, hoàn thiện và cập nhật.

Khu phố cổ Hội An được bảo tồn theo quan điểm “Gắn kết hài hòa giữa bảo tồn và phát triển”, được đánh giá cao về hiệu quả bảo tồn và phát huy giá trị di tích ở Việt Nam

Nhà thờ Sagrada Familia do KTS lừng danh Antoni Gaudi ở Barcelona, Tây Ban Nha thiết kế là một ví dụ khá đặc biệt. Công trình được khởi công xây dựng từ năm 1882, sau đó bị dang dở vì ông mất đột ngột do tai nạn năm 1926. Năm 1984, công trình này được UNESCO đưa vào danh sách Di sản văn hóa thế giới và là 1 trong 12 bảo vật quốc gia của Tây Ban Nha. Năm 2010, Giáo hoàng Benedict XVI nâng lên thành Vương Cung Thánh Đường. Với “di sản sống” này, người ta vừa bảo tồn vừa tiếp tục xây dựng nó theo ý tưởng thiết kế của tác giả. Ở đây, quan điểm được lựa chọn coi trạng thái nguyên thủy của đối tượng không phải là trạng thái nguyên gốc của vật chất mà là ý tưởng nguyên gốc của tác giả. Những người có trách nhiệm đang nỗ lực hoàn thiện nhà thờ này với 18 ngọn tháp theo ý tưởng của Gaudi (hiện nay mới hoàn thành 8 ngọn tháp) và dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2026, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày mất của ông. Việc thực hiện theo quyết định linh hoạt, không cứng nhắc trong bảo tồn và đầy ý nghĩa nhân văn này đang diễn ra với sự mong chờ của những người quan tâm trên toàn thế giới.

Trong khi đó, tại khu di tích Lam Kinh, Thanh Hóa, một dự án tu bổ, tôn tạo đã được thực hiện với việc phục dựng lại tòa Chính điện trên cơ sở dấu tích mặt bằng, một số các chân tảng đá và các bậc thềm còn sót lại. Những lý do để phục dựng có thể mang những ý nghĩa nhất định, căn cứ phục dựng dựa vào kích thước mặt bằng, chân tảng và các kiến trúc cùng thời có thể là sự tham chiếu hợp lý nhưng không đầy đủ, cứ liệu khoa học quá sơ sài. Trường hợp này đã không tuân theo nguyên tắc quan trọng trong bảo tồn di tích, được nêu trong hiến chương Vernice, năm 1964 là: “Phục hồi cần phải chấm dứt ở điểm xuất hiện giả thiết” (Restoration “must stop at the point where conjecture begins”). Nguyên tắc này cũng đã được qui định trong Luật Di sản văn hóa của Việt Nam: “Phục hồi di tích là hoạt động nhằm phục dựng lại di tích đã bị hủy hoại trên cơ sở các cứ liệu khoa học về di tích” (điều 4, mục 13). Như vậy, các giải pháp bảo tồn, tôn tạo di tích có thể rất đa dạng, linh hoạt, không theo một công thức cố định nào, song không có nghĩa là có thể ứng xử một cách tùy tiện mà cần phải phụ thuộc vào đặc điểm, giá trị của di tích và tuân thủ các nguyên tắc chuyên ngành bảo tồn chứ không phải theo ý muốn chủ quan của người làm bảo tồn.

Thay lời kết

Các phân tích trên cho thấy sự phong phú, đa dạng và phức tạp của hoạt động bảo tồn di tích, di sản. Chúng giải thích vì sao trên thực tế lại xuất hiện nhiều vấn đề tranh cãi xung quanh các hoạt động bảo tồn di tích, tồn tại những nghịch lý trong bảo tồn di tích và bảo tồn di tích luôn là những nhiệm vụ khó khăn, những cuộc “tranh đấu”. Nhận diện giá trị của đối tượng được bảo tồn nhiều khi khá “bất định”, nhưng những giá trị cốt lõi, đích thực của chúng luôn tồn tại khách quan mà khi tiếp cận đúng, cẩn trọng thì sẽ xác định được; các quan điểm cơ bản về bảo tồn di tích có thể rất phong phú, đa dạng, khác biệt nhau nhưng nếu tiếp cận bài bản, có nghiên cứu xác đáng thì sẽ lựa chọn được quan điểm phù hợp; những nguyên tắc chuyên ngành thì luôn cần phải tuân thủ nghiêm ngặt. Hệ thống các vấn đề đó chính là cơ sở khoa học của chuyên ngành bảo tồn mà tất cả các hoạt động, những nỗ lực bảo tồn di tích, di sản trên thực tế cần phải dựa vào để đảm bảo chất lượng khoa học chuyên ngành bảo tồn đúng với bản chất của nó.

Như vậy, hoạt động bảo tồn di tích, di sản có cơ sở khoa học của nó, nếu được tôn trọng và tuân theo thì chúng sẽ tạo ra hiệu quả văn hóa, xã hội tích cực. Cụ thể, trong mỗi trường hợp cần thống nhất nhận thức về di tích, nhận diện đúng giá trị của di tích, thống nhất xác định quan điểm, mục đích tu bổ, tôn tạo và tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của chuyên ngành bảo tồn di tích. Điều này trên thực tế sẽ phụ thuộc vào năng lực của hệ thống quản lý, các chuyên gia và cả cộng đồng. Xây dựng, hoàn thiện hệ thống lý luận, lý thuyết, những cơ sở khoa học của chuyên ngành bảo tồn di tích và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chuyên ngành bảo tồn di tích là nhiệm vụ cần thiết và quan trọng để sự nghiệp bảo tồn, phát huy giá trị các di tích, di sản văn hóa của dân tộc ở Việt Nam sẽ có những bước tiến tốt đẹp và bền vững.


Chú thích
(1) Giorgio Bonsanti: Nhà nghiên cứu lịch sử, nghệ thuật người Italia
(2) Andrea Brustolon (1662-1732): Nhà điêu khắc gỗ người Italia nổi tiếng với đồ gỗ kiểu Barogne và các tác phẩm điêu khắc tôn giáo.


KTS Lê Thành Vinh
Nguyên Viện trưởng Viện Bảo tồn Di tích – Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 10-2018)

Bảo tồn di tích, từ nghịch lý đến cơ sở khoa học

Đầu năm 2018, trong quá trình tu bổ, tôn tạo chùa Bổ Đà, một tam quan được xây dựng mới khá bề thế trong khuôn viên phía trước chùa. Việc đó dấy lên các luồng ý kiến trái chiều về cách ứng xử với một di tích có giá trị đặc biệt.

Việc xây dựng Tam quan mới tại di tích Chùa Bổ Đà, Bắc Giang năm 2018 gây nhiều ý kiến trái chiều

Chùa Bổ Đà là một trung tâm phật giáo lớn của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử, tọa lạc trên núi Phượng Hoàng, xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Tổng thể kiến trúc Chùa Bổ Đà độc đáo, khác biệt với vườn tháp lớn gồm hàng trăm ngôi tháp cổ, hệ thống các tượng thờ thời Lê và có bộ mộc bản kinh phật thiền phái Lâm Tế cổ nhất Việt Nam (1741). Công trình này được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt năm 2017. Đầu năm 2018, trong quá trình tu bổ, tôn tạo chùa Bổ Đà, một tam quan được xây dựng mới khá bề thế trong khuôn viên phía trước chùa. Việc đó dấy lên các luồng ý kiến trái chiều về cách ứng xử với một di tích có giá trị đặc biệt. Phía đồng thuận cho rằng tam quan là một công trình gắn với chùa, việc bổ sung yếu tố mới là để hoàn thiện tổng thể, xây tam quan trên phần vườn bỏ hoang là cải tạo cảnh quan đẹp lên, thuận tiện cho việc đi lại, mà không động đến di tích gốc, không trái luật và thực tế đã có sự thỏa thuận Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Phía phản đối lại khẳng định: Chùa Bổ Đà vốn có 2 lớp cổng nối nhau bằng một lối đi lát đá sa thạch, hai bên có các tường trình bằng đất cao 2m mà không có tam quan. Đó là một trong những đặc điểm độc đáo tạo nên giá trị của chùa, việc xây mới tam quan làm thay đổi đặc điểm vốn có, phá vỡ cảnh quan lịch sử và từ đó làm suy giảm giá trị của di tích này.

Đây chỉ là một trong rất nhiều những câu chuyện thực tế, gây tranh cãi xuất phát từ những vấn đề phức tạp, đa chiều và tạo ra những “nghịch lý” trong hoạt động bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa. Vậy những nghịch lý của bảo tồn xuất phát từ đâu? Cơ sở khoa học của bảo tồn là gì? Cần phải phân tích các vấn đề căn bản nhất của chuyên ngành bảo tồn di tích để trả lời những câu hỏi này.

John Ruskin (1819-1900), đại diện cho khuynh hướng “khắt khe” trong bảo tồn di tích.

Theo GS Salvador, sự bắt đầu của hoạt động bảo tồn như là một hoạt động khoa học, một nhu cầu văn hóa của xã hội có từ thế kỷ 18. Những vấn đề được đưa ra bởi Pietro Edwards (1744-1821), nhà bảo tồn người Italia, vào thời điểm đó có thể coi là những ví dụ đầu tiên của lý thuyết bảo tồn. Hoạt động bảo tồn có ý thức dẫn đến việc xử lý một số đối tượng theo cách khác so với các đối tượng còn lại, chẳng hạn như việc tu bổ mà không sửa sang, hiện đại hóa. Có khi chỉ căn cứ vào một tiêu chí nào đó để phân biệt một vật là đối tượng bảo tồn với vật khác giống nó (nhưng lại không phải là đối tượng bảo tồn).

Chẳng hạn Giorgio Bonsanti1 đã nêu một cách súc tích trong tác phẩm của mình (1997) là: “Nếu một chiếc ghế bị gãy, nó được sửa chữa. Nếu Brustolon2 làm chiếc ghế đó, nó sẽ được bảo tồn”. Có nghĩa là cùng những hành động như gắn vá, loại bỏ côn trùng… trên hai đối tượng giống nhau lại có thể được coi là việc nghề mộc hoặc việc bảo tồn. Chính vì vậy, việc định nghĩa bảo tồn và đối tượng của bảo tồn một cách đầy đủ không phải là việc dễ dàng. Từ ví dụ trên có thể thấy rằng, đặc tính của đối tượng là yếu tố quan trọng trong bảo tồn, chính đặc tính ấy làm cho các hoạt động sửa chữa thông thường trở thành hoạt động bảo tồn đúng với bản chất của nó. Đặc tính của đối tượng lại được xác định bởi việc đánh giá các giá trị của nó. Như vậy, giá trị của đối tượng chính là yếu tố cốt lõi của hoạt động bảo tồn.

Nhưng giá trị, đến lượt nó, lại là một khái niệm hết sức phức tạp, phụ thuộc vào những qui ước và sự thẩm định. Tùy theo tính chất có thể chia thành giá trị vật chất, giá trị tinh thần, theo thời gian có giá trị vĩnh cửu, giá trị nhất thời, theo ý nghĩa có giá trị sử dụng, giá trị thẩm mỹ, giá trị đạo đức… Những giá trị phổ biến thường quy về các chuẩn mực Chân – Thiện – Mỹ. Một cách chung nhất, có thể coi giá trị là linh hồn cuả văn hóa, bản sắc văn hóa của một cộng đồng hay một vùng miền có thể khái quát bằng một hệ giá trị. Tuy nhiên, giá trị lại có tính ước lệ, tuân theo những qui ước truyền thống của một cộng đồng nhất định và vì thế nó biến động theo không gian, thời gian, không cố định về quan niệm tốt, xấu. Tháp Eiffel ở Paris từng bị người dân Pháp chê bai là “xấu xí”, “nực cười”, “thảm họa”, các văn nghệ sỹ, chuyên gia kiến trúc, đô thị thì gọi nó là “bộ xương”, “ống khói”… và suýt bị dỡ bỏ. Nay nó đã trở thành biểu tượng nổi bật nhất của Paris, có sức hút vượt xa các công trình kiến trúc nổi tiếng khác nhau như Nhà thờ Đức Bà, Khải hoàn môn, Điện Invalides.

Tháp Eiffel từng suýt bị dỡ bỏ, nay trở thành biểu tượng nổi bật của Paris

Văn kiện Nara về tính xác thực (1994) khẳng định: “Mọi phán xét về giá trị được thừa nhận đối với di sản văn hóa có thể khác nhau giữa các văn hóa và ngay cả trong một văn hóa… Lòng tôn trọng với mọi văn hóa đòi hỏi mỗi di sản văn hóa phải được suy xét và phán xét theo các tiêu chí đặc trưng cho bối cảnh văn hóa mà trong đó di sản kia tọa lạc”. Trên thực tế, giá trị của các tác phẩm kiến trúc, nghệ thuật hay của di sản văn hóa được xác định bởi sự thẩm định của các chuyên gia và của cộng đồng. Khi có sự đồng thuận, các giá trị được tôn vinh và là cơ sở của hoạt động bảo tồn và phát huy di sản trong cuộc sống đương đại. Tuy nhiên, nhiều trường hợp không có sự đồng thuận giữa chuyên gia và cộng đồng hoặc ngay giữa các chuyên gia với nhau. Khi đó, việc xác định giá trị của đối tượng trở nên khó khăn hơn, và hoạt động bảo tồn gây ra nhiều ý kiến trái ngược với những nghịch lý và những cuộc tranh cãi bất tận. Mặc dù vậy, điều đó không có nghĩa là việc đánh giá giá trị của đối tượng và nội dung của hoạt động bảo tồn chúng lại có thể trở nên “vô định”. Bởi vì hoạt động bảo tồn di tích, di sản có cơ sở khoa học của nó. Trong trường hợp này, cơ sở khoa học là những nhận thức, những tiêu chí, chuẩn mực đã được thống nhất trong hệ thống lý thuyết chuyên ngành, những vấn đề đã được qui định trong các văn bản pháp lý, là cơ sở cho việc đánh giá, thẩm định giá trị của các di tích, di sản.

Viollet le Duc (1814-1897), đại diện cho khuynh hướng “dễ dãi” trong bảo tồn di tích

Khi đã xác định được giá trị, hoạt động bảo tồn di tích lại bị chi phối bởi các quan niệm, nhận thức về bảo tồn. Các quan niệm, nhận thức về bảo tồn khá phong phú và phức tạp, diễn ra trong một “biên độ” rộng. John Ruskin (họa sỹ, nhà tư tưởng, nhà hoạt động xã hội người Anh, 1819-1900) và Viollet le Duc (KTS, nhà khoa học, nhà phê bình người Pháp, 1814-1897) được coi là hai lý thuyết gia đầu tiên về bảo tồn. Họ đại diện cho hai khuynh hướng “thái quá” về bảo tồn; từ khắt khe nhất cho đến dễ dãi nhất. Nếu John Ruskin với khuynh hướng “khắt khe”, coi trọng dấu ấn lịch sử, coi dấu ấn lịch sử là một phần của đối tượng, là cái đáng quý nhất của đối tượng cần phải bảo tồn, thì Viollet le Duc, với khuynh hướng “dễ dãi”, coi trạng thái nguyên thủy là trạng thái tốt nhất của đối tượng bảo tồn, thậm chí đó không phải là trạng thái nguyên gốc của vật chất mà là ý tưởng nguyên gốc của tác giả. Trên thực tế, tất cả các lý thuyết trên thế giới về lĩnh vực bảo tồn sau này đều nằm trong phạm vi của hai “thái cực” của John Ruskin và Viollet le Duc.

Ngày nay, trong sự phát triển đa tuyến của các vấn đề kinh tế – xã hội và sự đa dạng văn hóa toàn cầu, các quan điểm hiện đại về bảo tồn di tích rất phong phú, đa dạng và tạo ra các xu hướng song hành.

  • “Quan điểm lịch sử” đặt các yếu tố lịch sử lên hàng đầu trong hoạt động bảo tồn di tích để di tích luôn thực sự là bằng chứng xác thực và khách quan của những thời kỳ đã qua;
  • “Quan điểm bảo tồn tính nguyên gốc (authenticity)” coi di tích là tư liệu khách quan của quá khứ, mục tiêu bảo tồn tính nguyên gốc được xác định là tối thượng;
  • “Quan điểm di sản văn hóa phục vụ đời sống xã hội đương đại” luôn đặt việc bảo tồn di tích gắn liền với nhu cầu sử dụng và phát huy giá trị của di tích, sự tham gia trực tiếp của di tích vào việc đáp ứng các nhu cầu rất đa dạng của cuộc sống đương đại;
  • Quan điểm kết hợp bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của di tích” coi sự kết hợp các yếu tố vật thể và phi vật thể mới tạo nên giá trị đích thực của di tích, cần bảo tồn chúng thì những giá trị đầy đủ và đích thực của di tích mới được gìn giữ và lưu truyền một cách toàn vẹn;
  • “Quan điểm gắn kết và hài hòa giữa bảo tồn và phát triển” coi bảo tồn di tích là một nhân tố quan trọng của phát triển bền vững và phát triển tạo nguồn lực, điều kiện tốt cho công tác bảo tồn…

Như vậy, trong cùng một trường hợp, có thể có những cách ứng xử với di tích khác nhau khi tuân theo những quan điểm khác nhau kể trên (và còn những quan điểm khác nữa). Đây cũng chính là lý do dẫn đến có những hoạt động bảo tồn, tu bổ di tích gây ra nhiều ý kiến trái chiều, mỗi ý kiến được đưa ra theo quan điểm và cách tiếp cận khác nhau, thậm chí trái ngược.

Dự án tu bổ, tôn tạo di tích Đình Chu Quyến, Hà Nội được thực hiện theo quan điểm “Bảo tồn tính nguyên gốc”. Công trình được Giải thưởng của UIA về Bảo tồn di sản Khu vực châu Á và châu Đại Dương năm 2010

Và vì thế, những cuộc tranh luận rất khó đến được sự đồng thuận. Hoạt động bảo tồn, một lần nữa lại xuất hiện những “nghịch lý”. Tuy nhiên, trong mỗi trường hợp cụ thể, việc lựa chọn quan điểm cơ bản để ứng xử với di tích được căn cứ vào đặc điểm, tính chất, tình trạng, vai trò của di tích dựa trên kết quả nghiên cứu, khảo sát đầy đủ, kỹ lưỡng về di tích và tổng hòa các vấn đề liên quan. Theo cách đó, mặc dù là không có giải pháp nào là tối ưu, tuyệt đối nhưng quan điểm cơ bản được lựa chọn theo hướng phù hợp nhất, hiệu quả hoạt động bảo tồn di tích sẽ tốt nhất trong phạm vi có thể.
Mặt khác, cần lưu ý rằng, có thể song song tồn tại nhiều quan điểm, nhiều cách tiếp cận di tích và hoạt động bảo tồn di tích khác nhau, việc lựa chọn quan điểm là linh hoạt hướng tới sự phù hợp nhất, nhưng dù theo quan điểm nào thì cũng đều phải tuân thủ hệ thống nguyên tắc của hoạt động bảo tồn đã được xác định. Những nguyên tắc của bảo tồn đã được thống nhất trong hệ thống lý thuyết chuyên ngành, các văn kiện quốc tế của các chuyên gia, các công ước quốc tế, các văn bản pháp lý của các quốc gia và chúng luôn được điều chỉnh, hoàn thiện và cập nhật.

Khu phố cổ Hội An được bảo tồn theo quan điểm “Gắn kết hài hòa giữa bảo tồn và phát triển”, được đánh giá cao về hiệu quả bảo tồn và phát huy giá trị di tích ở Việt Nam

Nhà thờ Sagrada Familia do KTS lừng danh Antoni Gaudi ở Barcelona, Tây Ban Nha thiết kế là một ví dụ khá đặc biệt. Công trình được khởi công xây dựng từ năm 1882, sau đó bị dang dở vì ông mất đột ngột do tai nạn năm 1926. Năm 1984, công trình này được UNESCO đưa vào danh sách Di sản văn hóa thế giới và là 1 trong 12 bảo vật quốc gia của Tây Ban Nha. Năm 2010, Giáo hoàng Benedict XVI nâng lên thành Vương Cung Thánh Đường. Với “di sản sống” này, người ta vừa bảo tồn vừa tiếp tục xây dựng nó theo ý tưởng thiết kế của tác giả. Ở đây, quan điểm được lựa chọn coi trạng thái nguyên thủy của đối tượng không phải là trạng thái nguyên gốc của vật chất mà là ý tưởng nguyên gốc của tác giả. Những người có trách nhiệm đang nỗ lực hoàn thiện nhà thờ này với 18 ngọn tháp theo ý tưởng của Gaudi (hiện nay mới hoàn thành 8 ngọn tháp) và dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2026, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày mất của ông. Việc thực hiện theo quyết định linh hoạt, không cứng nhắc trong bảo tồn và đầy ý nghĩa nhân văn này đang diễn ra với sự mong chờ của những người quan tâm trên toàn thế giới.

Trong khi đó, tại khu di tích Lam Kinh, Thanh Hóa, một dự án tu bổ, tôn tạo đã được thực hiện với việc phục dựng lại tòa Chính điện trên cơ sở dấu tích mặt bằng, một số các chân tảng đá và các bậc thềm còn sót lại. Những lý do để phục dựng có thể mang những ý nghĩa nhất định, căn cứ phục dựng dựa vào kích thước mặt bằng, chân tảng và các kiến trúc cùng thời có thể là sự tham chiếu hợp lý nhưng không đầy đủ, cứ liệu khoa học quá sơ sài. Trường hợp này đã không tuân theo nguyên tắc quan trọng trong bảo tồn di tích, được nêu trong hiến chương Vernice, năm 1964 là: “Phục hồi cần phải chấm dứt ở điểm xuất hiện giả thiết” (Restoration “must stop at the point where conjecture begins”). Nguyên tắc này cũng đã được qui định trong Luật Di sản văn hóa của Việt Nam: “Phục hồi di tích là hoạt động nhằm phục dựng lại di tích đã bị hủy hoại trên cơ sở các cứ liệu khoa học về di tích” (điều 4, mục 13). Như vậy, các giải pháp bảo tồn, tôn tạo di tích có thể rất đa dạng, linh hoạt, không theo một công thức cố định nào, song không có nghĩa là có thể ứng xử một cách tùy tiện mà cần phải phụ thuộc vào đặc điểm, giá trị của di tích và tuân thủ các nguyên tắc chuyên ngành bảo tồn chứ không phải theo ý muốn chủ quan của người làm bảo tồn.

Thay lời kết

Các phân tích trên cho thấy sự phong phú, đa dạng và phức tạp của hoạt động bảo tồn di tích, di sản. Chúng giải thích vì sao trên thực tế lại xuất hiện nhiều vấn đề tranh cãi xung quanh các hoạt động bảo tồn di tích, tồn tại những nghịch lý trong bảo tồn di tích và bảo tồn di tích luôn là những nhiệm vụ khó khăn, những cuộc “tranh đấu”. Nhận diện giá trị của đối tượng được bảo tồn nhiều khi khá “bất định”, nhưng những giá trị cốt lõi, đích thực của chúng luôn tồn tại khách quan mà khi tiếp cận đúng, cẩn trọng thì sẽ xác định được; các quan điểm cơ bản về bảo tồn di tích có thể rất phong phú, đa dạng, khác biệt nhau nhưng nếu tiếp cận bài bản, có nghiên cứu xác đáng thì sẽ lựa chọn được quan điểm phù hợp; những nguyên tắc chuyên ngành thì luôn cần phải tuân thủ nghiêm ngặt. Hệ thống các vấn đề đó chính là cơ sở khoa học của chuyên ngành bảo tồn mà tất cả các hoạt động, những nỗ lực bảo tồn di tích, di sản trên thực tế cần phải dựa vào để đảm bảo chất lượng khoa học chuyên ngành bảo tồn đúng với bản chất của nó.

Như vậy, hoạt động bảo tồn di tích, di sản có cơ sở khoa học của nó, nếu được tôn trọng và tuân theo thì chúng sẽ tạo ra hiệu quả văn hóa, xã hội tích cực. Cụ thể, trong mỗi trường hợp cần thống nhất nhận thức về di tích, nhận diện đúng giá trị của di tích, thống nhất xác định quan điểm, mục đích tu bổ, tôn tạo và tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của chuyên ngành bảo tồn di tích. Điều này trên thực tế sẽ phụ thuộc vào năng lực của hệ thống quản lý, các chuyên gia và cả cộng đồng. Xây dựng, hoàn thiện hệ thống lý luận, lý thuyết, những cơ sở khoa học của chuyên ngành bảo tồn di tích và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chuyên ngành bảo tồn di tích là nhiệm vụ cần thiết và quan trọng để sự nghiệp bảo tồn, phát huy giá trị các di tích, di sản văn hóa của dân tộc ở Việt Nam sẽ có những bước tiến tốt đẹp và bền vững.


Chú thích
(1) Giorgio Bonsanti: Nhà nghiên cứu lịch sử, nghệ thuật người Italia
(2) Andrea Brustolon (1662-1732): Nhà điêu khắc gỗ người Italia nổi tiếng với đồ gỗ kiểu Barogne và các tác phẩm điêu khắc tôn giáo.


KTS Lê Thành Vinh
Nguyên Viện trưởng Viện Bảo tồn Di tích – Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 10-2018)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét