Ngày mai (9/11), Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV tiếp tục nghe báo cáo, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung các Luật có quy định liên quan đến quy hoạch (Luật sửa đổi) với sự tham gia thảo luận của các đại biểu. Luật sửa đổi nhằm bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với Luật Quy hoạch và đáp ứng yêu cầu có hiệu lực thi hành cùng với Luật Quy hoạch từ ngày 1/1/2019.
Theo đó, sẽ sửa đổi, bổ sung 37 luật có quy định liên quan đến quy hoạch.
Một trong những nội dung được chuyên gia cũng như các địa phương đặc biệt quan tâm là có nên tích hợp quy hoạch xây dựng tỉnh với quy hoạch tỉnh hay không?
Để làm rõ hơn vấn đề, phóng viên TTXVN đã trao đổi với các chuyên gia đầu ngành xung quanh nội dung này.
Ông Nguyễn Hồng Quân, Nguyên Bộ trưởng Bộ Xây dựng: Trao vào tay các nhà quản lý công cụ hữu hiệu
Lâu nay trong Luật Tổ chức Chính phủ, Chính phủ vẫn giao Bộ Xây dựng quản lý nhà nước về mặt quy hoạch không gian. Cho nên từ lâu đời, lịch sử chúng ta vẫn hay gọi là quy hoạch xây dựng.
Có thể ai đó cảm nhận rằng, quy hoạch xây dựng là của Bộ Xây dựng nhưng thực tế không phải vậy
Ông Nguyễn Hồng Quân - Nguyên Bộ trưởng Bộ Xây dựng. (Ảnh: Thu Hằng/Vietnam+)
Bộ Xây dựng quản lý nhà nước về mặt quy hoạch không gian này. Khi tổ chức thực hiện quy hoạch không gian của địa bàn nào đó như quy hoạch nông thôn mới tại một xã cụ thể thì phải đưa vào địa bàn xã đó tất cả những vị trí bố trí không gian từ mương máng, hồ nước, thủy lợi, đường xá giao thông, đường điện, trường học, bệnh viện...
Trên cơ sở đó, chính quyền mới biết định hướng cụ thể về không gian phát triển địa phương.
Trước hết, quy hoạch xây dựng phải là định hướng phát triển. Nhìn vào quy hoạch vùng không gian, hiển thị trên bản đồ là các vùng màu xanh, vàng, tím… thì đó là ký hiệu của giới chuyên môn.
Chẳng hạn, vùng tím thông thường là ký hiệu của vùng khu công nghiệp và trên 1 địa bàn vùng này là vùng công nghiệp phát triển các cơ sở công nghiệp. Màu vàng là phát triển khu dân cư, nhà ở. Vùng xanh là dành cho dịch vụ công cộng, rừng cây, công viên… Đó là định hướng phát triển không gian.
Còn khi đi vào chi tiết, con đường rộng bao nhiêu, đi theo hướng và kết nối như thế nào là nội hàm kỹ thuật, được tính toán một cách khoa học. Đương nhiên, nó sẽ trở thành công cụ để quản lý chặt chẽ.
Việc quản lý không chỉ ở những kích thước hình học trong quy hoạch không gian mà còn được tính toán theo cả tỷ lệ trên một diện tích như thế nào thì ở được bao nhiêu dân, dung nạp được bao nhiêu người…
Kèm theo đó là dự tính hệ thống điện nước phù hợp để đáp ứng mật độ dân số; giao thông động, giao thông tĩnh bố trí ra sao.
Tất cả đều là những tính toán khoa học chứ không phải quy hoạch xây dựng cứ thích vẽ như thế nào thì vẽ. Nếu phát triển không theo trật tự quy hoạch mà kiểu tự phát thì sẽ còn nhiều câu chuyện bất cập, bế tắc về hạ tầng.
Hiện cũng không nên lẫn lộn chuyện nhiều quy hoạch thì phải nhiều giấy phép to, nhỏ. Câu chuyện lập, thực hiện, quản lý quy hoạch hay quản lý trật tự xây dựng có nội hàm và phạm trù khác nhau được quy định rõ tại các văn bản quy phạm pháp luật khác nhau.
Tuy nhiên, cả quy hoạch xây dựng lẫn quản lý trật tự đô thị vẫn còn tồn tại những bất cập, có thể gây bức xúc trong xã hội và nhân dân.
Thế nhưng, vẫn phải nhìn nhận và định dạng đúng những bất cập đó đang ở khâu nào thì mới có cách giải quyết. Nếu cứ gộp tất cả vào là do quy hoạch thì sẽ rơi vào bế tắc, không tháo gỡ được.
Tiến sỹ Đỗ Tú Lan: Quy hoạch tỉnh không thể thay thế Quy hoạch xây dựng
Quy hoạch xây dựng tỉnh có vai trò rất căn bản và có ý nghĩa quan trọng đối với mỗi tỉnh. Hiện nay, nước ta có cấp hành chính địa phương cao nhất là cấp tỉnh.
Mỗi tỉnh có hệ thống bộ máy hành chính đồng bộ để quản lý Nhà nước. Do đó, quy hoạch xây dựng tỉnh là công cụ không thể thiếu được để giúp tỉnh có căn cứ quản lý toàn bộ cơ sở vật chất.
Tiến sỹ Đỗ Tú Lan. (Ảnh: Thu Hằng/Vietnam+)
Đồng thời, có chiến lược thực hiện từng bước hệ thống hạ tầng kỹ thuật và xã hội trong tỉnh theo từng giai đoạn, điều kiện của mỗi địa phương.
Việt Nam đã và đang tăng cường phân cấp - phân quyền và vai trò chính quyền địa phương rất quan trọng. Mỗi tỉnh được giao trọng trách trong việc quản lý sử dụng và khai thác đất đai, tài nguyên của địa phương cho nhu cầu phát triển theo phạm vi phân cấp.
Do đặc thù, điều kiện phát triển khác nhau và trong bối cảnh kinh tế thị trường sự cạnh tranh phát triển lành mạnh, đòi hỏi mỗi tỉnh phải có những chiến lược quyết sách dựa trên những lợi thế của mình.
Quy hoạch xây dựng tỉnh là một loại hình quy hoạch có tính tích hợp cao nhất; trong đó, bao hàm đầy đủ các yếu tố xã hội, kinh tế môi trường, hệ thống hạ tầng kỹ thuật…, thể hiện đồng bộ hệ thống cơ sở vật chất cần thiết phát triển trên nền tảng hiện hữu và tiềm năng của khu vực.
Do đó, quy hoạch xây dựng tỉnh chính là kim chỉ nam cho lãnh đạo tỉnh chỉ đạo các ngành triển khai thực hiện các hạng mục công trình một cách đồng bộ, theo từng giai đoạn thích hợp tạo sự phát triển hợp lý nhất.
Thực tế hiện nay, các địa phương đã và đang thực hiện quy hoạch xây dựng tỉnh theo thể chế hiện hành. Đây đã là quy hoạch có tính tích hợp cao, đáp ứng đầy đủ yêu cầu quản lý nhà nước đối với một tỉnh.
Do đó, không nên có sự thay thế mới bằng quy hoạch tỉnh. Hơn nữa, nội hàm của quy hoạch tỉnh không rõ ràng hệ thống cơ sở vật chất theo hướng tích hợp như quy hoạch xây dựng tỉnh.
Quy hoạch xây dựng vùng là khoa học về sắp đặt vị trí hiệu quả cơ sở hạ tầng, giải quyết các vấn đề môi trường, xã hội và không gian phát triển kinh tế. Mỗi vùng có nhu cầu phát triển khác nhau, đặc biệt là sử dụng đất, bảo vệ đất nông nghiệp, đô thị, không gian phát triển công nghiệp, đầu mối giao thông và cơ sở hạ tầng, căn cứ quân sự; bảo vệ những khu vực hoang dã và quy hoạch cho sự phát triển bền vững của vùng.
Hiện nay, hầu hết Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố đều có treo một bản đồ quy hoạch xây dựng vùng tỉnh thể hiện đầy đủ các chiến lược định hướng phát triển cho tỉnh trong giai đoạn 20-30 năm.
Ông Phạm Sỹ Liêm, Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng: Quy hoạch xây dựng mang tính tổng hợp chứ không phải vấn đề hẹp của ngành xây dựng
Xây dựng không phải chỉ là công trình, không thể lấy chuyện một công trình ra mà ví dụ được. Xây dựng phải cần đến hạ tầng, liên kết, sử dụng đất đai hiệu quả và còn liên quan đến vấn đề môi trường. Bởi vậy, đối với xây dựng phải có quy hoạch.
Lấy ví dụ về quy hoạch sân golf chẳng hạn, nhiều người cho là vô lý, nên bỏ vì nó là thị trường, có nhu cầu thì mới nẩy sinh.
Ông Phạm Sỹ Liêm - Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng. (Ảnh Thu HằngVietnam+)
Tuy nhiên, phải hiểu rằng, quy hoạch sân golf không phải để làm sân golf mà là nếu muốn xây dựng sân golf vùng đó thì phải xây ở địa điểm đấy.
Đó là tầm nhìn và biện pháp dự trữ đất đai chứ không phải có quy hoạch sân golf là bắt buộc phải thực hiện, phải xây sân golf. Do đó, quy hoạch xây dựng trong nền kinh tế thị trường phải tiếp cận theo hướng này.
Quy hoạch lập ra không có nghĩa là phải thực hiện nhưng nếu khi có nhu cầu muốn xây phải theo quy hoạch đó thì mới đáp ứng được yêu cầu, bởi mỗi công trình đi theo nó không thể độc lập còn có nhiều yếu tố liên quan, từ hạ tầng giao thông, cấp nước, năng lượng…
Đơn cử như làm đường cao tốc, đường sắt sẽ ngốn rất nhiều kinh phí của quốc gia. Dù đường sắt hay đường bộ đều đi từ đô thị đến đô thị chứ không phải từ vùng này đến vùng kia.
Đầu là đô thị, giữa là đô thị, cuối cũng là đô thị. Vậy thì vẫn cần phải có hạ tầng để gắn kết chúng lại với nhau. Bởi vậy, quy hoạch xây dựng mang tính chất tổng hợp chứ không nên hiểu là vấn đề hẹp của ngành xây dựng.
Quy hoạch tỉnh thì nên theo hướng tổng thể, tích hợp đa ngành và các định hướng để chống lấn, dẫm chân lên nhau và cùng vì mục tiêu chung. Còn việc xây dựng cụ thể như thế nào, ở đâu, quy mô và hình dáng ra sao, kết nối… chính là của quy hoạch xây dựng.
Ông Nguyễn Trúc Anh, Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội: Hạn chế tối đa phân tán nguồn lực
Một trong những ưu điểm khi thực hiện quy hoạch xây dựng là hạn chế tối phân tán nguồn lực. Hãy thử tưởng tượng, một đô thị lớn như Hà Nội sẽ lộn xộn như thế nào nếu không có quy hoạch xây dựng.
Ông Nguyễn Trúc Anh - Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội. (Ảnh Thu HằngVietnam+)
Với quy hoạch xây dựng Hà Nội, trong quy hoạch Hà Nội cũng đã tích hợp đa ngành. Tại đó, đã đưa ra cụ thể và rất rõ ràng hạ tầng, đầu mối, hệ thống giao thông, hạ tầng kỹ thuật…
Hiện Hà Nội đang phát triển các hệ thống đường vành đai, đường xuyên tâm được thực hiện theo quy hoạch xây dựng. Cùng đó, hệ thống mật độ xây dựng, chiều cao tòa nhà cũng được cụ thể trong các quy định quản lý.
Hệ thống về hạ tầng, thoát nước, hệ thống thủy lợi cũng vậy. Tất cả đều tích hợp trong quy hoạch xây dựng chung Thủ đô và hiện nay các quận huyện, đơn vị địa phương đang thực hiện rất tốt.
Không có lý do gì mà bỏ quy hoạch xây dựng và thay thế bằng quy hoạch chung chung mà chưa biết kết quả ra sao, chưa được thực nghiệm, làm thí điểm bao giờ.
Theo tôi, Quốc hội nên giao Chính phủ rà soát lại, nâng cấp quy hoạch xây dựng lên và để nó tích hợp hơn nữa.
Quy hoạch xây dựng ra đời từ năm 2009 và trước đó nhiều năm cũng đã có với chỗ đứng trong hệ thống chính trị, hệ thống luật pháp của Việt Nam một cách rất rõ ràng.
Nó chỉ có cái thiếu mà Luật sửa đổi các luật liên quan đến quy hoạch cần bổ sung đó là khi làm quy hoạch xây dựng theo hướng tích hợp thì cần có quy hoạch đầu vào cho quy hoạch xây dựng.
Ví dụ, quy hoạch xây dựng từ xưa đến nay vẫn phải có nghiên cứu về quy hoạch giao thông trước, quy hoạch chuyên ngành về sử dụng đất và thổ nhưỡng cũng như quy hoạch chuyên ngành về khoáng sản, địa chất, thủy văn.
Những cái đó có thể tổng hợp lại, đưa ra phương án tối ưu nhất cho thành phố và hạn chế phân tán nguồn lực một cách tối đa.
Theo THU HẰNG (TTXVN/VIETNAM+)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét