Trải qua nhiều biến động của lịch sử, dưới tác động của quá trình phát triển kinh tế, xã hội, đô thị hóa, CNH – HĐH, nhà ở nông thôn (NƠNT) truyền thống ở Quảng Trị còn lại rất ít và không gian kiến trúc cũng dần biến đổi để phù hợp với cuộc sống hiện tại. Tuy nhiên, kiến trúc NƠNT hiện nay đang thay đổi tự phát, thiếu định hướng, kiến trúc xây dựng mới có xu hướng “chạy theo” kiểu kiến trúc nhà ở thành thị, không hài hòa với cảnh quan chung, làm mất đi những giá trị kiến trúc truyền thống của làng quê Quảng Trị.
Quá trình biến đổi không gian kiến trúc NƠNT
(i) Giai đoạn người Việt đến định cư đến thời nhà Nguyễn (1075 – 1945)
NƠNT truyền thống Quảng Trị có nhà Rội và nhà Rường và nhà Lá Mái. Đặc trưng trong bố cục mặt bằng của NƠNT truyền thống Quảng Trị là nhà trên và nhà dưới thường được bố trí vuông góc với nhau và cùng hướng về sân phơi phía trước nhà.
– Nhà chính: Có mặt bằng hình chữ nhật với 1 gian 2 chái, 3 gian và 3 gian 2 chái. Không gian nhà chính được bố cục đối xứng, bao gồm gian giữa là nơi đặt bàn thờ tổ tiên và các gian buồng hai bên là chỗ ngủ hoặc kho chứa đồ. Ngôi nhà chính được dùng vào những việc quan trọng như thờ phụng, tiếp khách, sinh hoạt, ngủ và cất chứa tài sản.
– Nhà phụ: Nằm sát nhà chính, là nơi đặt bếp, phòng ăn, kho chứa lương thực và công cụ sản xuất, chuồng gia súc… Quy mô, cấu trúc nhà phụ nhỏ hơn nhà chính, vật liệu xây dựng cũng đơn giản, ít cầu kỳ. Trong không gian của ngôi nhà phụ, phần chái ở phía trong cùng là chuồng trại gia súc, gia cầm, kế đến là gian bếp. Phía trên bếp có đặt một bàn thờ Táo quân, phía dưới có một khoảng không gian vừa đủ đặt chạn bát, xoong, nồi, gạo, mắm, muối… và cũng là nơi phụ nữ nấu ăn. Phần còn lại của các gian phía ngoài là không gian dành cho công việc nội trợ như: Xay, giã gạo, thái rau…
Phía trước có khoảng sân để phơi phóng, đan lát, làm nghề phụ và nơi sinh hoạt chung của gia đình. Sân là trung tâm của ngôi nhà, các không gian chính đều hướng ra sân. Chuồng trại gia súc được bố trí ở một đầu của nhà ngang hoặc được làm tách ra nằm trong vườn và bên cạnh có thêm đụn rơm để vừa dự trữ thức ăn cho trâu bò vào mùa rét vừa dự trữ chất đốt thay củi.
(ii) Giai đoạn kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ (1945 – 1975)
Trong thời kỳ người Pháp đặt ách đô hộ lên nước ta từ cuối thế kỷ 19 đến nửa đầu thế kỷ 20, không gian NƠNT Quảng Trị nhìn chung không có nhiều biến đổi.
Sau năm 1954, Mĩ từng bước đặt ảnh hưởng của mình thay thế Pháp ở miền Nam Việt Nam. Trong thời gian từ 1954 đến 1975, Quảng Trị trở thành chiến trường ác liệt nhất cả nước, là nơi chiến tuyến giữa hai miền Nam – Bắc, NƠNT bị bom đạn tàn phá gần như toàn bộ.
(iii) Giai đoạn 1975 – 1986
Sau khi hòa bình lập lại, NƠNT được xây dựng mới trên cơ sở kế thừa không gian kiến trúc NƠNT truyền thống. Tổ chức không gian ngôi nhà ở giai đoạn này không biến đổi nhiều. Tuy nhiên vật liệu, kết cấu và hình thức kiến trúc đã có những thay đổi.
Những ngôi nhà tranh, tre, nứa, lá đã được thay thế bởi các ngôi nhà xây gạch, mái lợp ngói. Kết cấu vẫn sử dụng bộ vì gỗ nhưng đơn giản hơn, bộ vì kèo không còn cột mà tựa trực tiếp lên tường gạch chịu lực, cột hiên cũng xây bằng gạch.
(iv) Giai đoạn 1986 đến nay
Trong thời kỳ đổi mới, phát triển kinh tế nhiều thành phần và cơ chế thị trường đã làm cho bộ mặt kiến trúc nhà ở tại các làng có nhiều thay đổi. Khi kinh tế ngày càng phát triển, nhu cầu ở của người dân thay đổi, thì không gian ở cần phải thay đổi theo. Xu hướng chuyển dịch từ ngôi nhà truyền thống sang kiểu nhà thành thị đang tăng nhanh, đặc biệt ở các làng ven đô, ven biển. Trong giai đoạn này, sự biến đổi không gian kiến trúc NƠNT được thể hiện rõ nét.
Nhu cầu nhà ở cá thể tách ra từ gia đình lớn ngày càng tăng làm cho khuôn viên các ngôi nhà bị thu hẹp hoặc chia cắt, diện tích mặt nước, cây xanh ít dần đi. Các vật liệu xây dựng địa phương truyền thống như tre, nứa, tranh, lá… dần được thay thể bởi các vật liệu mới hiện đại như kính, sắt thép, bêtông, nhôm…
Các ngôi nhà 1 tầng theo kiểu truyền thống dần bị thay thế bằng các kiểu nhà đô thị, đặc biệt các kiểu nhà chia lô có diện tích vừa và nhỏ và có xu hướng phát triển theo chiều cao. Với những gia đình kinh tế khá giả thì nhà ở thường sao chép theo kiểu nhà biệt thự ở đô thị. Với các kiểu nhà này hầu hết đều không phù hợp với môi trường cảnh quan của làng quê, công năng không thích hợp với việc kết hợp sản xuất nông nghiệp của gia đình nông thôn.
Qua khảo sát, có thể chia loại hình NƠNT Quảng Trị hiện nay gồm 3 dạng sau:
– Nhà Rường truyền thống (đã được sửa chữa): Phần lớn ở các làng thuần nông ít bị biến đổi như làng Hội Kỳ (xã Hải Chánh), làng Vĩnh An (xã Cam Hiếu), làng Ba Thung (xã Cam Tuyền)… Trong đó, phổ biến là dạng nhà Rường 3 gian 2 chái và 1 gian 2 chái.
Tuy nhiên, số lượng các công trình này đang ngày càng ít đi và hiện đã xuống cấp trầm trọng. Mặt khác, công năng sử dụng không phù hợp với cuộc sống hiện tại (nhà thấp, ít phòng, hiên nhà nhỏ…) nên những ngôi nhà Rường truyền thống phần lớn được chủ nhà làm nhà thờ và xây dựng nhà mới nằm sát bên cạnh với công năng phù hợp với cuộc sống hiện tại hơn. Nhà Rường được cải tạo, sửa chữa lại để ở như:
- Thay lại ngói để chống dột;
- Thay lại các cấu kiện như rui, mè… đã bị mối mọt, hư hỏng;
- Cắt cột và nâng toàn bộ nhà cao hơn, nâng và lát gạch nền nhà để chống lụt và tiện nghi trong sử dụng;
- Đổ hiên nhà bằng vật liệu bê tông cốt thép với kích thước rộng hơn để che nắng, mưa…
– Nhà lồi: Loại nhà này được xây dựng phổ biến trong giai đoạn từ năm 1986 đến năm 2010. Vẫn là kiểu nhà 3 gian nhưng có 1 gian lồi ra. Tác dụng của gian lồi để che chắn nắng vào gian chính, làm tăng diện tích sử dụng của nhà, đồng thời giúp hình thức mặt đứng phong phú hơn.
Tường nhà xây bờ lô, cột bê tông cốt thép (BTCT) kích thước 15cm x 15cm, mái dốc được lợp bằng tôn, fibrôximăng hoặc ngói. Bố trí mặt bằng công năng, tổng thể nhà chính, nhà phụ và khuôn viên ở của loại nhà này gần giống kiểu nhà truyền thống.
– Nhà kiểu hiện đại: Dạng nhà này được xây dựng phần lớn từ năm 2010 đến nay, tập trung phổ biến ở phía ngoài các trục đường chính của làng, hoặc một số nhà có điều kiện kinh tế ở trong làng. Lối kiến trúc theo kiểu thành thị, dạng nhà hộp từ 1 đến 2 tầng, chỉ 1 gian hoặc 2 gian.
Dạng nhà kiểu hiện đại có đặc điểm là khoảng vượt lớn giúp không gian thoáng hơn, sử dụng hệ kết cấu khung BTCT, tường xây gạch nung, mái đổ bằng BTCT kết hợp phía trên lợp tôn hoặc lợp ngói, nền nhà xây cao, trần nhà cao, cửa mở lớn với vật liệu phong phú như sắt, nhôm, gỗ, nhựa lõi thép, kính. Không như công năng của dạng nhà Rường và nhà Lồi (được bố trí theo chiều ngang), nhà kiểu hiện đại được bố trí theo chiều dọc và phát triển theo chiều cao. Diện tích sân bị thu nhỏ, không gian chăn nuôi hầu hết không còn nữa, khu vệ sinh, nhà tắm chuyển sát vào không gian ở…
Nhìn chung, kiểu nhà hiện đại ở nông thôn Quảng Trị ngày nay được xây dựng khang trang, bền vững. Tuy nhiên, các kiểu kiến trúc mới này thường không có bản vẽ thiết kế, bắt chước nhau, phô trương về hình thức, thiếu thẩm mĩ, không hài hòa với không gian quy hoạch kiến trúc chung của làng xã.
Đề xuất mô hình không gian kiến trúc NƠNT Quảng Trị
Dựa vào quá trình biến đổi không gian kiến trúc NƠNT và tình hình thực tiễn của NƠNT đang diễn ra tại Quảng Trị, tác giả đề xuất 4 loại hình NƠNT mới nhằm kế thừa các giá trị kiến trúc truyền thống, đáp ứng được điều kiện tiện nghi ăn ở, sinh hoạt, học tập và sản xuất kinh tế hộ gia đình, phù hợp với quá trình CNH – HĐH nông thôn:
1. Nhà ở thuần nông: Là loại nhà ở dành cho các gia đình sinh sống bằng sản xuất nông nghiệp, được xây dựng trong làng truyền thống hoặc các điểm dân cư nông thôn mới, khu vực giãn dân. Nhà ở thuần nông khi xây dựng cần kế thừa hình thức kiến trúc và giải pháp tổ chức không gian truyền thống, giải quyết tốt điều kiện vi khí hậu cho ngôi nhà, tăng cường thông gió, chiếu sáng tự nhiên và tiết kiệm năng lượng.
Nhà ở thuần nông có các chức năng chính gồm phòng tiếp khách, phòng sinh hoạt chung, phòng ngủ, không gian thờ cúng tổ tiên. Các chức năng phụ gồm phòng bếp, phòng ăn, kho, phòng vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi, sân phơi…
2. Nhà ở kết hợp làm dịch vụ, thương mại: Thường nằm ở trung tâm làng, xã và ven các trục đường giao thông, cách thức tổ chức không gian giống với nhà ở kinh doanh tại đô thị, chuyển chức năng sử dụng theo phương ngang thành phương dọc và phát triển theo chiều cao.
Nhà ở kết hợp làm dịch vụ, thương mại có các chức năng chính gồm phòng tiếp khách, phòng sinh hoạt chung, phòng thờ cúng tổ tiên, phòng ngủ, không gian buôn bán, dịch vụ. Các chức năng phụ gồm kho chứa hàng hóa, bếp nấu và phòng ăn, khu vệ sinh, sân trong lấy ánh sáng cho ngôi nhà, cổng có lối vào nhà riêng hoặc vào không gian bán hàng…
3. Nhà ở kết hợp sản xuất tiểu thủ công nghiệp: Kết hợp nhà ở với sản xuất tiểu thủ công nghiệp như làm mộc, cơ khí, đan lát, thêu, dệt…
Nhà ở loại này có các chức năng chính gồm phòng tiếp khách, phòng sinh hoạt chung, phòng ngủ, không gian thờ cúng tổ tiên, không gian sản xuất tiểu thủ công nghiệp. Các chức năng phụ gồm phòng bếp, phòng ăn, kho chứa nguyên liệu hay thành phẩm, phòng vệ sinh, sân trong…
4. Nhà ở kết hợp đánh bắt hải sản: Là loại nhà ở vùng ven biển kết hợp đánh bắt hải sản, có các chức năng chính gồm phòng tiếp khách, phòng sinh hoạt chung, phòng ngủ, không gian thờ cúng tổ tiên. Các chức năng phụ gồm phòng bếp, phòng ăn, kho lạnh, phòng vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi, sân phơi hải sản, phơi lưới…
Kết luận
Dưới tác động của quá trình phát triển kinh tế, xã hội, đô thị hóa, CNH – HĐH…, không gian kiến trúc NƠNT Quảng Trị có nhiều biến đổi là điều tất yếu. Sự biến đổi được thể hiện rõ nét trong giai đoạn từ năm 1986 đến nay.
Trong thời gian tới, khi mà công cuộc CNH – HĐH càng đẩy mạnh, quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, đời sống của người dân càng phát triển thì sự biến đổi về không gian kiến trúc NƠNT Quảng Trị sẽ còn diễn ra nhanh chóng hơn. Do đó, để phát triển NƠNT một cách bền vững, các cấp các ngành cần quan tâm hơn nữa đến khâu thiết kế quy hoạch, kiến trúc, đáp ứng được điều kiện tiện nghi ăn ở, sinh hoạt, học tập và sản xuất kinh tế hộ gia đình, phù hợp với cuộc sống thực tiễn; đặc biệt cần kế thừa hình thức kiến trúc và giải pháp tổ chức không gian truyền thống để tạo nên một không gian ở bền vững vừa hiện đại vừa phát huy được giá trị kiến trúc truyền thống.
1. Nguyễn Thượng Hỷ, Nhà lá mái ở miền Trung – Kiến trúc sinh thái, Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần 3 – 2008.
2. Nguyễn Đình Thi (2011), Kiến trúc nhà ở nông thôn, NXB Khoa học và Kĩ thuật, Hà Nội.
3. Nguyễn Sỹ Quế, Nguyễn Văn Đỉnh, Nguyễn Hồng Hương (2010), Lịch sử kiến trúc truyền thống Việt Nam, NXB Khoa học và Kĩ thuật, Hà Nội.
4. Hoàng Đức Anh Vũ (2016), Kế thừa những giá trị kiến trúc truyền thống trong thiết kế nhà ở nông thôn Quảng Trị, Tạp chí Kiến trúc Việt Nam, số 202-2016.
ThS.KTS.HOÀNG ĐỨC ANH VŨ
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 08-2018)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét